Hàng ngàn cổ đông của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đang “lên ruột” trước thông tin công ty này đang bị buộc phải giao trả 28ha đất về cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Trong khi đó, khu đất này đã là một phần tài sản của Đạm Phú Mỹ được công bố trong bản cáo bạch khi công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 4/2007. Đã bán lại lấy về?
Người được xem là có tiếng nói quyết định trong vụ chuyển giao đất này là ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Tập đoàn Petro Vietnam. Ngày 23/8, ông Thăng đã ký văn bản yêu cầu Đạm Phú Mỹ làm các thủ tục bàn giao quyền sử dụng 8ha đất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ - Du lịch Dầu khí (Petrosetco - cũng là một công ty con Petro Vietnam nắm 51%) để triển khai dự án sản xuất cồn sinh học ethanol.
Cũng theo văn bản này, với 20ha đất còn lại, các đơn vị trong ngành (phía Nam) của Petro Vietnam có nhu cầu đăng ký đầu tư xây dựng sẽ đệ trình kế hoạch lên tập đoàn phê duyệt. Mục đích của việc chuyển giao, theo ông Thăng, là nhằm sử dụng khu đất này hiệu quả hơn!
Ngày 12/9, Petro Vietnam lại có một công văn “khẩn” yêu cầu công ty này phải khẩn trương triển khai bàn giao 8ha đất. Trong khi đó, theo một nguồn tin thì khi Hội đồng Quản trị , Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát của Đạm Phú Mỹ họp để bàn việc thu hồi 28ha đất này, một số người đã không chấp nhận. Tuy nhiên, do Petro Vietnam nắm phần lớn số ghế trong Hội đồng quản trị nên quyết định này cuối cùng vẫn được thông qua.
Đạm Phú Mỹ có ba cổ đông lớn nhất là Petro Vietnam (60%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (5%) và Ngân hàng Á châu (ACB) (1%). Tuy nhiên, cả BIDV và ACB đều không có đại diện trong Hội đồng quản trị. Chính vì thế, việc bàn giao khu đất này đã trở thành chuyện “nội bộ” của Petro Vietnam.
Ép cổ đông nhỏ
Theo ông Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế Tp.HCM): “Về mặt nguyên tắc, khu đất này thuộc quyền sử dụng của Đạm Phú Mỹ, như vậy nếu có một văn bản nào đó quyết định số phận của nó thì người ký phải là đại diện có thẩm quyền của Đạm Phú Mỹ. Đằng này ông chủ tịch Petro Vietnam lại là người ra quyết định, trong khi Đạm Phú Mỹ đã là công ty cổ phần, trong đó Petro Vietnam chỉ là một cổ đông. Việc làm của ông chủ tịch Petro Vietnam chỉ hợp lý trong trường hợp Đạm Phú Mỹ là công ty con 100% vốn của Petro Vietnam”.
Ông Phạm Duy Hưng, một cổ đông của Đạm Phú Mỹ, bức xúc: “Chúng tôi mua cổ phần của Đạm Phú Mỹ dựa trên báo cáo tài chính và báo cáo tài sản của công ty này ở thời điểm cổ phần hóa. Khu đất 28ha là một phần trong khối tài sản mà chúng tôi đã biết và đã nhận ở thời điểm bàn giao. Cũng như anh bán cho tôi một ngôi nhà, hôm nay anh vào lấy bớt một viên ngói, hôm sau lại vào dỡ thêm một viên gạch. Không luật lệ nào cho phép làm thế”.
Các chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng vụ chuyển giao đất này cho dù được xem là hợp pháp do Hội đồng Quản trị của Đạm Phú Mỹ đã thông qua, cũng nên được các cơ quan quản lý xem xét thấu đáo nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, đảm bảo một sân chơi công bằng và minh bạch cho tất cả mọi người.
Việc chuyển giao đất này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Sự việc đang xảy ra tại Đạm Phú Mỹ là điển hình cho những vụ cổ đông lớn “ép” các cổ đông nhỏ.