Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê: Tăng trưởng chưa đồng hành với chất lượng
20 | 09 | 2007
Vì mục tiêu nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, từ ngày 01/10/2007, Bộ Công Thương sẽ thống nhất cà phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 trước khi thông quan. Nhưng quyết định này đang gặp phải những cản trở từ các doanh nghiệp cà phê…

Hết quý II năm 2007, Việt Nam xuất khẩu được trên 832.000 tấn cà phê, thu về 1,217 tỷ USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 92% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Với đà này, năm 2007 ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số xuất khẩu 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người làm cà phê Việt Nam chớ hài lòng quá sớm về thành tựu xuất khẩu này. Bởi thực tế cho thấy, mặc dù xuất khẩu cà phê tăng cao, nhưng cây cà phê Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vật tư, phân bón, nhiên liệu… nhập khẩu. Do không chủ động được vật tư đầu vào, nên thu nhập của người trồng cà phê thường xuyên bị ảnh hưởng mỗi khi giá cả thế giới biến động. Trong khi đó, hệ thống quản lý chất lượng còn nhiều hạn chế, thu hoạch và chế biến chưa đúng kỹ thuật khiến chất lượng bị ảnh hưởng, thị trường nội địa tiêu thụ cực nhỏ, chỉ chiếm 10% tổng dân số.

Theo ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cà phê Hải Hồ, với cách thu hoạch cà phê quả xanh (thu hoạch sớm) lâu nay của người trồng và cả doanh nghiệp doanh nghiệp sẽ làm giảm cả về chất lẫn lượng cà phê. Do vậy, muốn cải thiện chất lượng sản phẩm, cần phải hạn chế thu hoạch kiểu “ăn xổi, ở thì” này. Chuyển dịch thời vụ thu hoạch sang mùa khác, không chỉ tiết kiệm chi phí tưới nước cho cà phê, mà còn tránh thu hoạch vào mùa mưa gây rất nhiều bất lợi cho chế biến. Cùng với đó, phải tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng thông qua áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 cho toàn bộ sản lượng cà phê xuất khẩu.

Cũng vì mục tiêu nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, được biết, từ ngày 01/10/2007, Bộ Công Thương sẽ thống nhất cà phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 trước khi thông quan. Nhưng quyết định này đang gặp phải những cản trở từ các doanh nghiệp cà phê. Họ cho rằng, nếu làm như vậy sẽ gây tồn đọng một lượng cà phê rất lớn vì không đáp ứng được yêu cầu này, các doanh nghiệp phải trang bị máy móc, đầu tư công nghệ chế biến cà phê chất lượng cao mới kịp áp dụng cho niên vụ 2007/2008.

Theo ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, hiện cà phê Việt Nam chứa đến 1% tạp chất, các doanh nghiệp hội viên đang cố gắng đưa mức này xuống còn 0,5%. Ông Huy cho rằng: “Xuất khẩu ít, nhưng có thương hiệu trên thị trường thế giới còn hơn là chạy theo số lượng. Điều này sẽ giúp chúng ra tránh được những rào cản thương mại khi các nhà nhập khẩu phát hiện ra tạp chất trong cà phê thành phẩm quá mức cho phép. Do vậy, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm của các nhà buôn, giải quyết tình trạng tranh mua, tranh bán đang nảy sinh trong chính các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước”. Ông Huy kiến nghị: Văn bản về tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cần sớm có văn bản chỉ đạo cụ thể và có lộ trình áp dụng để các doanh nghiệp có cơ sở tiến hành các hợp đồng xuất khẩu, chế biến và hoàn tất các thủ tục thông quan được thuận lợi.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Thiết, trưởng đại diện UZT Kapeh (Chương trình chứng nhận toàn cầu dành cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và cung ứng cà phê có trách nhiệm cao, một tổ chức phi chính phủ, có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan) cho rằng, ngành cà phê Việt Nam cần xúc tiến việc trở thành thành viên của các hiệp hội, tổ chức cà phê thế giới, vì điều đó rất có lợi cho thương hiệu cà phê Việt Nam. Hiện đã có 7 công ty cà phê thuộc 3 tỉnh Đắk Lắk, Quảng Trị, Sơn La và một công ty thu mua của Anh đặt tại Lâm Đồng được UTZ Kapeh cấp chứng chỉ. Trong năm 2006, Việt Nam có 22.000 tấn cà phê được cấp đạt chuẩn UTZ Kapeh và nhận thưởng 40USD/tấn. Ông Thiết cho biết, mục tiêu đến năm 2010, UTZ Kapeh sẽ cấp chứng chỉ cho 100.000 tấn cà phê Việt Nam.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường