Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Malaysia sang Mỹ có thể giảm
21 | 09 | 2007
Ông Datuk Teo Wee Cheng, Giám đốc Điều hành Công ty SHH Resources Holdings Bhd., cho biết, xuất khẩu đồ gỗ nội thất năm 2007 của Malaysia sang thị trường Mỹ có thể sẽ suy giảm do sức mua tại thị trường này giảm sút.
Theo ông Datuk, nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên thị trường Mỹ giảm chủ yếu do nền kinh tế Mỹ, sau khi tăng trưởng mạnh vào đầu năm 2006, đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại vì tính bấp bênh trong tỷ lệ lãi suất của nước này, giá năng lượng cao và sự chậm lại theo chu kỳ kinh tế thông thường.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước sản xuất đồ gỗ nội thất có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy vậy, ông Datuk vẫn bày tỏ tin tưởng đối với ngành đồ gỗ nội thất của Malaysia sẽ có thể duy trì được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới miễn là các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu của nước này chú trọng hơn vào cải tiến mẩu mã thiết kế và nâng cao tính sáng tạo để tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Ông Datuk cho biết, mặc dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của SHH Resources Holdings Bhd, nhưng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới tại các thị trường khác để giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Mỹ.

Hiện công ty đang nhắm vào thị trường châu Âu và Ấn Độ, được đánh giá là những thị trường xuất khẩu có tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, công ty sẽ mất ít nhất 2 năm trước khi bắt đầu xuất khẩu sang các thị trường mới này vì cần phải tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và cũng để nhận diện, đánh giá chính xác các đối thủ cạnh tranh tại đây.

Hướng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang châu Âu

Ông Datuk Peter Chin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đồn điền và Hàng hoá Malaysia cho biết, nước này đang lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang châu Âu.

Theo dự kiến, phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) sẽ đến Kuala Lumpur vào ngày 16/1/07 để bắt đầu tiến hành đàm phán với phía Malaysia về hợp tác trong cung ứng và xúc tiến quảng bá các sản phẩm gỗ. Theo ông Chin, đàm phán sẽ động chạm đến các vấn đề như yêu cầu về loại gỗ, tiêu chuẩn gỗ, độ an toàn, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường và hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp.

Ông Chin hy vọng quá trình đàm phán sẽ được kết thúc trong vòng 1 năm và các thủ tục về xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang EU sẽ được đưa ra. Được biết, EU hiện là thị trường xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất của Malaysia.

Ông Chin nhận định, các sản phẩm gỗ của Malaysia sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trên thị trường EU do một số khách mua tại đây không thích sử dụng gỗ Meranti đỏ vì cho rằng nó không bền. Tuy vậy, dựa trên một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Gỗ của Anh, thì loại gỗ Meranti đỏ có thể rất bền trong điều kiện khí hậu ở châu Âu.

Để có thể đáp ứng được những yêu cầu và thị hiếu tại thị trường châu Âu, theo ông Chin, vấn đề quan trọng là các nhà sản xuất gỗ nước này phải nắm bắt được những thay đổi và diễn biến mới nhất trên thị trường này.

Hiện nay ngành gỗ Malaysia đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn cung gỗ nguyên liệu hạn hẹp và chi phí lao động gia tăng. Tuy nhiên, ông Chin tin tưởng ngành này sẽ khắc phục được những thách thức trên và nổi lên mạnh mẽ hơn.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Malaysia năm 2006 ước đạt 23,6 tỷ RM, tăng khoảng 5% so với 21,5 tỷ RM năm 2005. EU, Nhật Bản và Mỹ là ba thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ chính của Malaysia.

Ông Chin cũng đã đề nghị sát nhập Hội đồng Công nghiệp Đồ gỗ Nội thất (MFIC) với Hiệp hội Kinh doanh Đồ gỗ Nội thất (MFEA) nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và sức cạnh tranh trong ngành gỗ của Malaysia.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường