Với mức tăng bình quân 18%/năm trong giai đoạn 2007-2010, đến năm 2010, kim ngạch XK của nước ta vào thị trường này sẽ đạt 10 tỷ USD. Nhật Bản vẫn sẽ là thị trường XK lớn nhất của VN ở châu Á. Không những thế, còn là một trong ba thị trường XK lớn nhất của VN, cùng với Mỹ và EU. Tiếp sau Nhật Bản là Trung Quốc. Đến năm 2020, kim ngạch XK của VN sang thị trường này ước sẽ đạt 6,1 tỷ USD. VN và Trung Quốc cũng đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch buôn bán hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2010.
Tại Malaysia, 7 tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa của VN đạt giá trị hơn 630 triệu USD, dự kiến cả năm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2010 là 2,13 tỷ USD. Các mặt hàng XK của nước ta sang thị trường này có thể phân thành 4 nhóm chính, gồm: nguyên liệu thô, tăng mạnh nhất (112,4%); lương thực, thực phẩm tăng 78%; hàng công nghiệp 51,6%; còn nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng không đáng kể. Hàng VN XK vào thị trường Hàn Quốc chưa nhiều vì phải cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn. Dự kiến XK của nước ta sang thị trường này sẽ đạt 1,05 tỷ USD trong năm nay và cũng chỉ nâng lên khoảng 1,65 tỷ USD vào năm 2010. Còn với Thái Lan, 7 tháng đầu năm nay, nước ta XK sang đây đạt gần 550 triệu USD, trong khi kế hoạch cả năm là 1,15 tỷ USD và dự báo đến năm 2010, cũng chỉ đạt1,85 tỷ USD. Do tính tương đồng về cơ cấu mặt hàng XK của hai nước, các mặt hàng nông sản của ta khó thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, VN-Thái Lan đang tiến tới thiết lập cơ chế hợp tác XK gạo để tránh cạnh tranh gây thiệt hại cho hai bên trên trường quốc tế.
Với hai thị trường Lào và Campuchia, do vừa ít dân, vừa chưa có tốc độ phát triển cao về kinh tế, bên cạnh đó, hàng VN phải cạnh tranh với hàng của Trung Quốc và Thái Lan nên khả năng đẩy mạnh XK sang đây ngày càng khó khăn. Cước phí vận tải hàng của ta sang 2 thị trường này đắt hơn so với hàng của Thái Lan, trong khi năng lực DN của VN chưa đủ mạnh để tổ chức mạng lưới phân phối ngay trên đất Lào và mở rộng sang vùng Đông Bắc Thái Lan. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK của nước ta sang Campuchia mới đạt 570 triệu USD, trong khi dự kiến cả năm là 1 tỷ USD, tương ứng với Lào là hơn 60 triệu USD và 105 triệu USD.
Mặc dù con đường XK khá rộng mở tại thị trường châu Á, các chuyên gia cho rằng, vẫn sẽ có 3 vấn đề tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh và khả năng thâm nhập hàng hóa của VN ở đây. Trước tiên là trong vài năm đầu, đặc biệt là ngay trong năm nay, sẽ không có đột biến tăng kim ngạch XK của VN vào thị trường khu vực này. Nguyên nhân là do giá dầu thế giới biến động, nạn hạn hán do ảnh hưởng của El Nino tác động đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN, dịch bệnh gia súc, gia cầm còn tiềm ẩn. Thêm vào đó là xu thế bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các hình thức đánh thuế chống bán phá giá, tiêu chuẩn VSATTP… của một số quốc gia được thực thi mạnh.
Thứ hai, khi cánh cửa WTO rộng mở, làn sóng đầu tư mới của DN cũng như các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước chắc chắn sẽ tăng cao, khiến hàng NK tăng mạnh, tạo tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu hàng XK. Các DN FDI sẽ tăng cường đầu tư để mở rộng sản xuất, tăng vốn. Hơn nữa, nhiều DN FDI đã đầu tư từ các năm trước sẽ bắt đầu có lượng sản phẩm lớn đưa vào XK.
Thứ ba, kể từ năm 2009, kim ngạch XK vào thị trường châu Á sẽ tăng, có thể ở mức đột biến trong 1-2 năm, bởi vào thời điểm đó, VN đã xuất hiện nhiều ngành nghề mới như chế tác kim hoàn, chế tác nữ trang mỹ ký, lắp ráp, sản xuất đồng hồ đeo tay, treo tường và nhiều sản phẩm mới đưa vào XK như hàng điện tử, công nghệ thông tin… Mặt khác, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tư thế giới như Dairy Farm, Wall-Mart… tham gia hệ thống phân phối tại VN sẽ tạo động lực cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm mặt hàng mới cho XK. Tuy nhiên, cùng với bề dày thời gian hội nhập kinh tế quốc tế, tỷ trọng XK hàng hoá của nước ta sang các thị trường truyền thống và láng giềng châu Á sẽ giảm dần, bởi lúc đó VN sẽ đẩy mạnh XK sang các thị trường khác trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu, châu Phi-Tây Nam Á.