Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều giữ vững ngôi vị xuất khẩu
26 | 09 | 2007
Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) vừa hoàn tất Dự án “Rà soát Quy hoạch phát triển ngành điều điều đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” (Dự án đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định 39/QĐ-BNN). Theo đó, mục tiêu của ngành điều trong nước là xây dựng và phát triển bền vững, có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời duy trì ngôi vị xuất khẩu xứng đáng trên thị trường điều thế giới.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tiêu thụ các sản phẩm điều tại thị trường trong nước hiện đã tăng hơn 3 lần so với hơn 10 năm trở về trước, trong đó tăng mạnh ở các sản phẩm như: nhân điều chế biến thành thực phẩm ăn liền, dầu vỏ hạt điều, chất đốt và gỗ điều… Dự báo, đến năm 2010, tổng nhu cầu tiêu thụ nhân điều ăn liền trong nước ước đạt 4.000 - 5.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nhân điều toàn cầu ước khoảng 409.000 tấn. Cũng theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng về sản lượng buôn bán nhân điều sẽ đạt bình quân 5,7%/năm, giá nhân điều xuất khẩu dự kiến đạt mức 4.621 USD/tấn.

Kết quả phân tích lợi thế cạnh tranh của hạt điều nước ta so với các nước cũng cho thấy, Việt Nam hội đủ 5 điều kiện cơ bản để tăng khả năng cạnh tranh về các sản phẩm điều xuất khẩu. Cụ thể, năng suất bình quân trồng điều ở Việt Nam đã cao hơn 2 lần so với mức bình quân của thế giới, cao hơn cả Brazil và Ấn Độ; giá thành một tấn hạt điều Việt Nam là 247 USD, trong khi của Ấn Độ là 544 USD và Brazil là 288 USD; trong năm 2005, xuất khẩu nhân điều đã chiếm 54% sản lượng toàn thế giới;  nhiều doanh nghiệp chế biến điều của nước ta có công suất thiết kế 10.000 tấn hạt/năm và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo được uy tín với khách hàng ở các thị trường tiêu thụ lớn. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp trong lĩnh vực điều, thuộc Đề án KC 06-04 NN, khi phân tích, hệ số cạnh tranh nội sinh DRC của nhân điều xuất khẩu Việt Nam cho giá trị là 0,379. Đây là chỉ số được đánh giá là có mức cạnh tranh cao, bởi hệ số này ở các nước trên thế giới chỉ là 0,2 (số liệu năm 2000).

Với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hạt điều đầy tiềm năng nêu trên, Bộ NN&PTNT đã đề ra phương án điều chỉnh quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển ngành điều Việt Nam theo hướng ưu tiên phát triển ở các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng thấp ở 3 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích điều thu hoạch phải đạt 333.000 ha, năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha, tổng sản lượng hạt điều đạt 666.000 tấn (tăng 166.000 tấn so với năm 2010), tổng sản lượng nhân hạt điều đã qua chế biến là 195.000 tấn (trong đó xuất khẩu đạt 175.000 tấn)… Từ đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ điều đến năm 2020 lên 820 - 850 triệu USD/năm.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường