Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát huy lợi thế địa phương sau khi Việt Nam gia nhập WTO
27 | 09 | 2007
Chiều ngày 25/9, Ban chỉ đạo chương trình hậu WTO và các tư vấn cao cấp do ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại ( nay là Bộ Công Thương ), dẫn đầu đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhằm góp ý cho chương trình hành động của tỉnh Tiền Giang sắp đề ra để thực hiện các giải pháp chiến lược của tỉnh sau khi đất nước hội nhập WTO từ nay đến năm 2010 và định hướng tầm nhìn đến năm 2020.
Thay mặt cho đoàn công tác, ông Trương Đình Tuyển đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần phải phát huy lợi thế của địa phương như: vị trí địa lý trên vùng kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, có đường giao thông đường bộ và đường thủy thuận lợi; khả năng phát triển du lịch sinh thái hiếm có nơi nào có được; có vùng trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, Tỉnh cần khắc phục được những khó khăn như: điểm xuất phát có cơ cấu kinh tế lạc hậu, tỷ trọng nông nghiệp cao, chiếm 44% trong khi công nghiệp chỉ chỉ trên 20%; diện tích Tỉnh nhỏ, hẹp, trong khi dân số lại đông.

Theo ông Tuyển, từ nay đến năm 2010, Tiền Giang phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ, giảm dần nông nghiệp. Muốn vậy, Tiền Giang cần phải sớm tập trung thực hiện các giải pháp như: Rà soát lại các văn bản của tỉnh, của sở-ngành còn bất hợp lý để sửa chữa, bổ sung sao cho tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển; tiến hành thực hiện cải cách hành chính sao cho thủ tục nhanh chóng và có thái độ thân thiện với nhà đầu tư.

Để phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, Tiền Giang cần nhanh chóng phát triển thêm trường Đại học, Trung tâm dạy nghề, sớm tổ chức đào tạo nghề cho công nhân, đào tạo lại nghiệp vụ cho cán bộ công chức và đào tạo đội ngũ quản trị doanh nghiệp. Khi phát triển công nghiệp, Tiền Giang cần chú ý gắn với việc giải quyết vấn đề công-nông nghiệp và nông thôn; muốn vậy, Tiền Giang phải khẩn trương rà soát lại qui hoạch đất đai, thực hiện tốt công tác đền bù giải tỏa, phải phát triển cơ sở hạ tầng của Khu công nghiệp kết nối với tuyến giao thông chính; đồng thời phải bảo đảm việc cấp nước, cấp điện đồng bộ.

Đối với công nghiệp, Tỉnh cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp dệt may, giầy da và công nghiệp sản xuất dây điện và cáp điện. Đối với nông nghiệp, Tỉnh cần xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tập trung, ưu tiên phát triển các loại cây trồng, cây ăn quả nào có hiệu quả kinh tế cao. Đối với du lịch, trước mắt Tỉnh cần tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn; trong đó cần quan tâm chuyển dần cư dân địa phương sang làm dịch vụ du lịch.

Ông Tuyển cho rằng: Sau khi xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh theo 2 nhóm công nghiệp và nông nghiệp, Tiền Giang cần triển khai thực hiện tiếp theo các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.



Theo baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường