Nhà nước tốn tiền, nông dân ngóng đấtNhà máy thuỷ điện Yaly (NMTĐYL) được xây dựng trên sông Sê San thuộc địa phận hai tỉnh: Gia Lai, Kon Tum. Khi tích nước ở cao trình 515m, riêng tỉnh Kon Tum có 14 xã, phường bị ảnh hưởng, nặng nhất là 4 xã: Sa Bình, Ya Ly, Ya Tăng, Ya Xia của Sa Thầy. Xã Sa Bình có 9 thôn thì cả 9 đều bị xáo trộn bởi tác động của NM (hoặc di chuyển toàn bộ, hoặc di chuyển một phần) với 301,7ha đất sản xuất bị ngập và 241 hộ, 1.267 khẩu phải di dời.Ngày 28.7.2006, tại công văn 89/CV-BDD gửi UBND huyện Sa Thầy, thông báo "công tác đền bù di dân tái định cư lòng hồ thuỷ điện Yaly đến nay đã hoàn thành", Ban Di dân tái định cư thuỷ điện Plei Krông (trước là Ban Di dân tái định cư thuỷ điện Yaly - BDDTĐCTĐYL) giải thích nguyên tắc đền bù như sau:
Đối với hoa màu, tài sản thiệt hại trên đất: Đền bù toàn bộ bằng tiền. Đối với nhà cửa, công trình phúc lợi công cộng: DA cấp một ngôi nhà cấp 4, diện tích 40-60m2/hộ cùng trường học, đường giao thông, điện sinh hoạt đến tận mỗi gia đình.
Về đất sản xuất, Trưởng ban Đinh Thế Ngự quả quyết: Tất cả đã được cân đối thông qua việc xây dựng công trình thuỷ lợi, khai hoang, cải tạo đồng ruộng...
Chứng minh rằng DA đã khai hoang 40ha đất màu khu vực Giáp Long; đầu tư cải tạo xây dựng 73ha đồng ruộng từ 1 thành 2 vụ cho cánh đồng Bình Giang; cải tạo, xây dựng bờ lô, bờ thửa cho 92,6ha đất bán ngập; lắp đặt trạm bơm điện..., ông Ngự kết luận: Yêu sách đòi bồi thường của dân Sa Bình là "không có cơ sở".
Cách trả lời trên bị cả người dân lẫn chính quyền sở tại phản ứng gay gắt. Ông Nguyễn Đình Phương - người từng 2 lần gửi đơn đến Báo Lao Động - bức xúc: "Phản ánh của BDDTĐC không đúng thực tế", còn Chủ tịch UBND xã Sa Bình Huỳnh Thanh Sơn thì nói BQLDANMTĐYL không sòng phẳng!
Chúng tôi cũng có chuyến khảo sát thực tế về Sa Bình để thấy "tổng hợp" của UBND huyện Sa Thầy hôm 22.8.2006 là có căn cứ. Theo đó, chỉ có 33/40ha đất ở Giáp Long là nằm trên cao trình 515m, còn lại là đất bán ngập, thuộc thẩm quyền quản lý của NMTĐYL. 92,6ha "cải tạo" cũng vậy.
Riêng trạm bơm Bình Giang, trên thực tế, công trình này không hoạt động nên không thể nói đủ năng lực "tưới" 73ha...
Ông A Kim - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - khẳng định: Sa Bình hiện vẫn còn thiếu tới 268ha đất sản xuất do ảnh hưởng bởi TĐYL.
Hãy đợi đấyKhông chỉ Sa Bình, dân Yaly, Ya Tăng cũng kêu rát. Ngày 20.7.2006, Tổ đại biểu Sa Thầy, HĐND tỉnh Kon Tum có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum yêu cầu cơ quan này kiến nghị để "các cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét giải quyết đền bù đất vùng ngập lòng hồ TĐYL".
Văn bản trên ghi nhận: 87ha đất khai hoang cho làng Lút, làng De Blốc, xã Ya Tăng sau khi nghiệm thu, bàn giao đã không sử dụng được vì ở dưới cao trình 515m. Tại xã Yaly, người dân 2 thôn: Kiến Xương, Đông Hưng dù được khai hoang 138ha, song không sao tiếp nhận được vì diện tích khai hoang trùng với đất rẫy của nông dân Ya Xia; hơn nữa, trong 138ha "được coi là khai hoang", chỉ có 47ha nằm trên cao trình 515m, còn lại cũng đều là đất bán ngập!
Ngổn ngang, rối rắm thế, nhưng đề cập đến phương án xử lý, thì ngay Chủ tịch Sa Thầy A Kim cũng... bối rối. Nguyên nhân, theo ông Kim, là giữa cơ quan chức năng (tức BQLDATĐ 4) và chính quyền địa phương còn bất đồng trong cách thức tiếp cận vụ việc. Điều ấy có nghĩa, người nông dân vùng ngập lòng hồ TĐYL còn phải đợi.