Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam thăng hạng môi trường kinh doanh vươn lên thứ 91/178 nền kinh tế
29 | 09 | 2007
Báo cáo mới nhất về Môi trường kinh doanh do Ngân hàng thế giới (WB) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) công bố ngày 26/9, từ vị trí thứ 104/175 trong báo cáo năm ngoái, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 91/178 nền kinh tế.

Báo cáo môi trường kinh doanh của WB nhận xét: Việt Nam đã có nhiều thay đổi về môi trường pháp lý trong năm qua, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao mức độ thuận lợi trong kinh doanh.

Được IFC và WB phát hành hàng năm, Báo cáo Môi trường kinh doanh đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của một nền kinh tế dựa trên 10 yếu tố: Thành lập doanh nghiệp; Cấp giấy phép; Tuyển dụng và sa thải lao động; Đăng ký tài sản; Vay vốn tín dụng; Bảo vệ nhà đầu tư; Đóng thuế; Thương mại quốc tế; Thực thi hợp đồng và Giải thể doanh nghiệp.

Theo ông Sin Foong Wong, Giám đốc Quốc gia Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam: "Dù Việt Nam đứng thứ 91 trong Bảng xếp hạng các nước có mức độ thuận lợi trong kinh doanh, nhưng con số này không phải là tất cả, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng".

Năm nay, báo cáo ghi nhận hai lĩnh vực quan trọng đã được cải cách mạnh mẽ tại Việt Nam là Tiếp cận tín dụng và Bảo vệ nhà đầu tư. Lĩnh vực thứ nhất là Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp.

Báo cáo nhận xét: Bộ Luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm đã cho phép doanh nghiệp sử dụng động sản - hiện có và sẽ có trong tương lai, hữu hình và vô hình làm tài sản thế chấp. Việt Nam cũng ban hành Luật Chứng khoán quy định rõ hoạt động của thị trường chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán.

Thứ hai, Việt Nam còn tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc ban hành Luật doanh nghiệp mới, trong đó quy định những hoạt động chính của công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư, đồng thời nâng cao yêu cầu công khai thông tin của công ty, đặc biệt thông tin về giao dịch của các bên có liên quan và đưa ra quy định về trách nhiệm của giám đốc, thành viên HĐQT công ty trong việc bảo toàn lợi ích của cổ đông lẫn doanh nghiệp.

Nhận xét về bản báo cáo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia phát triển kinh tế tư nhân của WB cho rằng: Kết quả mà báo cáo đưa ra đã phản ánh phần nào những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng nó cũng đang nói lên một thực tế: Còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện năng lực của Việt Nam trong cạnh tranh, làm cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả hơn.

Vẫn phải cố gắng nhiều

Trong bản báo cáo, các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra hai nét nổi bật khiến môi trường kinh doanh Việt Nam được nâng lên xếp thứ 91/178 nền kinh tế. Tuy nhiên, một trong hai lĩnh vực này vẫn được bản báo cáo nhắc lại như những nhược điểm mà Việt Nam cần khắc phục.

Cụ thể, Việt Nam vẫn xếp hạng thấp trong 3 lĩnh vực: Bảo vệ nhà đầu tư (xếp thứ 165), giải thể doanh nghiệp (thứ 121) và đóng thuế (thứ 128).

Theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2008, Singapore năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu 178 nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong kinh doanh.

Còn xét theo khu vực Đông Nam Á, với vị trí thứ 91, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan (xếp hạng 15) và Malaysia (xếp hạng 24), các vị trí tiếp theo thuộc về: Indonesia (xếp hạng 123), Philippines (xếp hạng 133), Campuchia (xếp hạng 145), Lào (xếp hạng 164) và Timor-Lester (168).

Bản báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong số những quốc gia bảo vệ nhà đầu tư kém nhất trước sự lạm dụng tài sản doanh nghiệp của giám đốc hay thành viên HĐQT. Mặc dù Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệ mới đã quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của giám đốc, thành viên HĐQT nhưng chưa đưa ra cơ chế thực thi các nghĩa vụ này.

Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập về giải thể doanh nghiệp. Theo báo cáo này, cơ chế hiện tại cho việc giải quyết các vụ phá sản tại Việt Nam thường khó khăn và mất thời gian. Ví dụ, một trường hợp phá sản tại Việt Nam có thể mất 5 năm mà doanh nghiệp chỉ thu hồi lại được 18% nợ. Do đó, rất ít doanh nghiệp giải thể theo đúng những quy định và thủ tục chính thức.

Cũng theo báo cáo, doanh nghiệp ở Việt Nam mất khá nhiều thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tính trung bình, doanh nghiệp mất 1.050 giờ, tương đương 130 ngày làm việc để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế.

Ngoài ra, các chuyên gia còn nêu ra các khó khăn mà môi trường kinh doanh Việt Nam đang gặp khó khăn trên bước tiến là: cấp giấy phép xây dựng; sa thải lao động; các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn mất nhiều thời gian lo thủ tục xuất nhập khẩu và chi phí xuất khẩu rất cao (trung bình 24 ngày và số tiền lên tới 669 USD/container)…



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường