Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo 2007: “Cơ hội vàng” đang đến?
02 | 10 | 2007
Diễn biến thị trường gạo từ đầu năm đến nay cho thấy, năm nay gạo Việt Nam xuất khẩu được giá. Theo dự báo, giá gạo trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng do cung không đủ cầu. Liệu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có tận dụng được cơ hội này?

Nguồn cung có hạn

Tính đến tháng 8, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cả năm 2007; trong đó, lượng gạo đã xuất được trong 8 tháng qua là 3,592 triệu tấn, thu về 1,154 tỷ USD. SO sánh với năm 2006, xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo, kim ngạch chỉ tiêu chỉ đạt 1,1 tỷ USD, cho thấy, đây là năm giá gạo xuất khẩu đạt mức cao. Đặc biệt, trong tháng 8, giá gạo xuất khẩu có mức tăng cao nhất, tăng 10USD/ tấn và ở mức 352 USD/tấn.

Xuất khẩu được giá, thị trường rộng mở nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, những năm gần đây, diện tích trồng lúa ở ĐBSCL giảm manh, bình quân giảm tới 70.000 ha/năm, trong khi dân số cả nước vẫn tăng lên, dẫn đến nhu cầu gạo tại thị trường nội địa có xu hướng ngày càng tăng. Điều này giải thích vì sao năm 2005, xuất khẩu được 5,2 triệu tấn gạo trong khi lượng gạo xuất khẩu năm nay lại giảm, mặc dù ĐBSCL được mùa. Vừa qua, sau đợt áp thấp nhiệt đới và bão số 2 gây ra lụt lớn ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên, làm ngập úng và mất trắng 67.000 ha lúa. Dự báo, tháng 9/ 2007, các tỉnh miền Bắc, đang mùa mưa bão, ĐBSCL nước lũ bắt đầu lên, khả năng giá lương thực cũng sẽ tăng tại một số địa phương.

Hiện nay, sản lượng lúa chỉ còn trông mong vào vụ hè thu và vụ mùa. Dự đoán, tổng sản lượng lúa năm 2007 của cả nước ước đạt 36,5 triệu tấn, tổng nhu cầu trong nước khoảng 28,5 triệu tấn. Như vậy, sản lượng lúa hàng hoá chỉ còn khoảng 8 triệu tấn, tương đương với 4,5 triệu tấn gạo. Điều này trên lý thuyết cũng có nghĩa là, lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm nay đã hết. Hiện nay, đoàn công tác của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đang khả sát tình hình tồn kho lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL để điều tiết tiến độ xuất khẩu gạo và ký hợp đồng xuất khẩu mới sát với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu mà không gây tác động xấu đến mặt bằng giá cả chung.

Giá càng tăng?

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu vụ 2007/2008 ước đạt 420,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 424,5 triệu tấn, tăng 1% so với vụ trước. Như vậy, nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu gần 4 triệu tấn, giá cả dự báo vẫn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong thời gian dài. Các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan đều không thể tăng sản lượng gạo xuất khẩu trong năm tới, thậm chí còn giảm. Thị trường gạo hiện chỉ còn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung cấp chính. Tuy nhiên, Thái Lan đang gặp khó khăn trong xuất khẩu vì đồng bath tăng giá 1,05%. Điều này cho thấy, thị trường lúa gạo thế giới còn đầy lạc quan, cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu còn ở phía trước.

Có thể nói, đây là năm nông dân bán được lúa với mức giá cao nhất, giá lúa bình quân từ đầu năm đến nay lên tới 2.950đ/kg, có thời điểm lên tới 3.200 – 3.300đ/kg lúa, trong khi giá thành sản xuất từ 1.600 – 1.800đ/kg. Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tổ chức mua gạo để giao hàng theo đúng tiến độ. Tháng 9/2007, tại cụm nhà máy xay xát ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), các nhà máy vẫn hoạt động đều, một số doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu, vẫn đạt mua gạo nguyên liệu với giá 4.050đ/kg. Vì vậy hiện thời, giá lúa hè thu mới vẫn đứng ở mức cao 3.005đ/kg, tăng hơn giá lúa đông xuân 250đ/kg.

Thông thường như những năm trước đây, khi hết chỉ tiêu xuất khẩu gạo, vẫn có “cửa ra” cho gạo thơm và nếp. Năm nay, chỉ tính riêng gạo nếp, một số doanh nghiệp trong vùng ước tính còn khoảng 40.000 tấn. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Lương thực Mekong (TP. Cần Thơ) cho biết, nếp xuất khẩu vào thị trường các nước trong khu vực đang có giá trị (FOB) bình quân 400 USD/tấn (nếp 10% tấm). Nếu giữ được giá này, năm nay, bà con nông dân trồng nếp sẽ có lời.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường