Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phú Thọ: Huyện Tân Sơn xây dựng vùng lúa đặc sản, chất lượng cao
03 | 10 | 2007
Dự án "Xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao vùng lòng chảo Xuân Đài- Kim Thượng, huyện Tân Sơn" của huyện miền núi Tân Sơn tỉnh Phú Thọ rộng 7 ha được triển khai từ tháng 5-2007 tại 5 xã Xuân Đài^, Kim Thượng, Lai Đồng, Tân Sơn, Thu Ngạc , với hơn 70 hộ tham gia. Trong đó chủ yếu tập trung ở 2 xã Xuân Đài và Kim Thượng, trên 6 ha với hơn 50 hộ tham gia.

Các giống lúa của dự án gồm IR- 64 (lúa tẻ) và 4 loại lúa nếp (nếp Gừng, nếp Vơi, nếp Quả vải, nếp Quạ đen (nếp Quà Đen). Đây chủ yếu là những giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao được phục tráng tại địa phương. Đồng thời, Trạm Khuyến nông Tân Sơn cũng đưa giống lúa N-46 của Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) vào gieo cấy để đối chứng (giống lúa này được các chuyên gia đánh giá là ngon hơn gạo Tám thơm), được cấy trên diện tích thí điểm 2 sào với 3 hộ tham gia ở 2 xã Xuân Đài và Kim Thượng.

Ông Vũ Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm khuyến nông Tân Sơn cho biết: "Vùng lòng chảo Xuân Đài- Kim Thượng thuộc vùng tiểu khí hậu có nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn (từ 8-10 độ), có nguồn nước tưới sạch (nước suối) và có độ cao so với mặt nước biển trên 400 mét. Đây là nơi lưu giữ nhiều giống lúa đặc sản của địa phương, gồm cả nếp và tẻ. Câu truyền miệng "Tiền nhà chúa, lúa Xuân Đài" (Tiền nhiều như nhà chúa, lúa ngon như lúa Xuân Đài), vẫn được lưu giữ từ đời này sang đời khác... Vì thế để giúp đồng bào dân tộc tại địa phương phát triển sản xuất, đồng thời lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường và Dao ở địa phương, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Trạm khuyến nông huyện Tân Sơn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu và phục tráng các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tại địa phương. Đến nay, đã cho kết quả khả quan, được các nhà khoa học, chuyên môn và người dân đánh giá là thành công".

Để có được kết quả này, ngay từ năm 2005- 2006, Huyện ủy Thanh Sơn cũ đã giao cho các cán bộ Trạm Khuyến nông lập đề án nghiên cứu và phục tráng các giống lúa đặc sản, chất lượng cao, cụ thể là các giống lúa nếp thơm ở địa phương, bước đầu đã tạo vùng sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao ở Thanh Sơn trước kia. Ban đầu ý tưởng phục tráng giống lúa địa phương đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ. Qua mấy vụ mùa triển khai, đánh giá, rút kinh nghiệm, đến nay Trạm khuyến nông đã cho nhân cấy trên diện tích lớn hơn.

Xã Xuân Đài dự kiến trong năm 2008- 2009 sẽ mở rộng diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao lên 20 đến 30 ha, nhằm giúp dân giảm nghèo làm giàu. Bên ruộng lúa đang phát triển tốt, sắp cho thu hoạch, ông Nguyễn Thanh Nông, 52 tuổi, dân tộc Mường, xóm Dụ, Xuân Đài phấn khởi cho biết: "Tôi trồng 1 sào giống nếp Gừng, đến nay phát triển đều. Từ khi gieo trồng đến giờ chưa thấy sâu bệnh, chăm sóc cũng đơn giản hơn các loại lúa khác". Anh Nguyễn Hải Nam, 40 tuổi, người cùng xóm ông Nông nói: "Tôi tham gia dự án với 604m2 lúa IR-64 và 660m2 cấy giống lúa nếp Gừng. Tôi thấy làm mạ rất thuần, lên dảnh đều, đạt 90% trở lên, dễ làm, cấy không hao, năng suất tuy chưa biết cụ thể nhưng chắc chắn là khả quan hơn, nhỉnh hơn. Hiện nay mỗi khóm có 12-13 nhánh (lúc cấy 2-3 dảnh), đẻ nhánh mạnh hơn nếp cũ". Ông Hoan cho biết thêm: "Dự kiến lúa IR-64 sẽ cho năng suất 2,2 tạ/sào, còn giống lúa nếp Gừng cũng cho năng suất hơn 2 tạ/sào, đều cao hơn giống lúa nếp và tẻ cũ vẫn trồng ở địa phương. Riêng giống lúa N- 46 cấy đối chứng đến nay cũng cho kết quả tốt, chuẩn bị thu hoạch như lúa IR- 64".

Từ kết quả trên có thể khẳng định rằng dự án "Xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao vùng lòng chảo Xuân Đài- Kim Thượng, huyện Tân Sơn" triển khai bước đầu có kết quả. Giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao sẽ được tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy không chỉ đơn thuần vì năng suất cao mà vì gạo ngon, giá cũng cao hơn, như vậy giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích cũng cao hơn.



Nguồn: agroviet
Báo cáo phân tích thị trường