Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ động nguồn gỗ nguyên liệu
04 | 10 | 2007
Khó khăn hiện nay của ngành chế biến gỗ trong nước là thiếu gỗ nguyên liệu, phải nhập khẩu phần lớn và phụ thuộc vào sự bất ổn của thị trường gỗ nguyên liệu trên thế giới.

Rừng trong nước: cạn kiệt

Do trữ lượng rừng tự nhiên của Việt Nam hiện đã cạn kiệt nên các doanh nghiệp rất khó khai thác từ nguồn gỗ rừng tự nhiên, mà phải từ nguồn rừng trồng. Thế nhưng, gần như phần lớn diện tích rừng trồng kinh tế của Việt Nam hiện nay lại chủ yếu trồng hai loại cây bạch đàn (eucalyptus) và keo các loại (acacia), không phù hợp cho việc chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ông Đoàn Văn Trang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khải Vy ở quận 7, TPHCM, cho biết mỗi năm công nghiệp gỗ trong nước cần 2,5-3 triệu mét khối gỗ nhưng trữ lượng gỗ trong nước mà Chính phủ cho phép khai thác chỉ chiếm 20% nhu cầu và doanh nghiệp phải nhập tới 80% nguyên liệu gỗ. Nếu tính một mét khối gỗ dầu doanh nghiệp mua trong nước giá 80 USD thì đơn giá gỗ dầu nhập khẩu lại lên tới ít nhất 105 USD, đủ thấy giá gỗ nhập khẩu cao tới mức nào nhưng doanh nghiệp phải cắn răng bỏ tiền ra để nhập khẩu.

Hiện nay các nhà nhập khẩu trước sức ép của người tiêu dùng ở các nước phát triển, đã yêu cầu nhà xuất khẩu phải chế biến sản phẩm gỗ từ nguồn nguyên liệu sạch, không tác động tới môi trường sinh thái, có các chứng nhận của hội đồng quản lý rừng bền vững quốc tế. Tất nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã đáp ứng yêu cầu này nhưng đồng nghĩa với việc họ phải tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên liệu.

Giống cây: yếu tố quyết định

Ở các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam như Solomon, Nam Phi, Brazil, Urugoay, họ chọn giống trồng rừng phù hợp, vừa cung cấp gỗ trong nước, vừa xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Cũng là bạch đàn nhưng Solomon và các đảo quốc vùng Nam Thái Bình Dương thì chọn giống Deglupta, Nam Phi thì chọn giống Saligna, Brazil và các nước vùng Nam Mỹ thì chọn giống Grandis. Việt Nam thì trồng giống Urophylla, có chất lượng gỗ thấp. Myanmar nổi tiếng với cây gỗ teak có nhiều ở rừng tự nhiên, rừng trồng và thậm chí người dân nước này còn trồng teak làm bóng mát trên đường phố và thu hoạch bán ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Hay ở châu Âu, cây gỗ thích (Maple) vừa trồng thành rừng, vừa trồng làm cảnh trên đường phố, là loại cây cho gỗ tốt, có thể chế biến gỗ cao cấp, vừa có thể xuất khẩu gỗ nguyên liệu.

Bộ NN-PTNT cho biết hiện nay đang có 5.300ha rừng giống phục vụ cho việc tuyển chọn cây giống trồng rừng kinh tế, chỉ đủ năng lực cung cấp một số giống cây rừng như keo, bạch đàn, thông, còn các loại cây rừng có giá trị cao mà thị trường thế giới ưa chuộng như teak, lát Mehico thì chưa đủ khả năng. Năng lực nhân giống cây bằng hạt, bằng cấy mô của cả nước hiện chỉ 128 triệu cây giống mỗi năm.

Hiện nay ngoài các doanh nghiệp FDI tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy, ván dăm cũng đã có một công ty 100% vốn của Việt Nam chuyên về chế biến gỗ, đã đăng ký với Bộ NN-PTNN trồng 25.000ha rừng gỗ lớn phục vụ chế biến, với kinh phí đầu tư hàng triệu USD. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã có ý thức trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu, một phương cách được các nhà quản lý đánh giá là thức thời, có tầm nhìn dài hạn.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường