Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ: Phải ’hắt nước lạnh vào mặt’ doanh nghiệp!
05 | 10 | 2007
Với sức sinh lời hấp dẫn thứ 4 trên thế giới và sẽ mở cửa hoàn toàn vào năm 2009, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam được ví là “chiếc bánh ngon” đang ngày một “nở nồi”. Ngửi thấy mùi lợi nhuận, cách đây vài năm, nhiều “đại gia” bán lẻ nước ngoài đã đổ bộ vào Việt Nam.

Nhưng dường như phải đến gần đến mốc 2009, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa mới giật mình tỉnh mộng, chụm lại lập hiệp hội và… kêu cứu.

Biển sắp nhiều "cá mập"

84 triệu người, 65% là dân số trẻ, thu nhập ngày càng cao, tốc độ tiêu dùng tăng mạnh (năm 2006 tăng khoảng 23%), Việt Nam đang dần hình thành thế hệ khách hàng “thích shopping, mê hàng hiệu”. Việt Nam cũng là cửa ngõ dẫn tới một số thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia và Lào…

Siêu thị Metro Cash & Carry

Vì thế, không khó hiểu khi suốt mấy năm qua, chúng ta luôn nằm trong top những “thiên đường bán lẻ” hấp dẫn nhất thế giới. Nhiều đại gia bán lẻ như Metro Cash & Carry (Đức), BigC (Pháp), Parkson (Malaysia), Zen Plaza (Nhật Bản), Diamond Plaza (Hàn Quốc)… đã nhập cuộc và có lúc gây “náo loạn”, áp đảo thị trường.

Cam kết mở cửa

Việt Nam cam kết cả 4 loại hình phân phối: bán lẻ, bán buôn, đại lý hoa hồng và nhượng quyền thương mại.

- 1/1/2008: Cho phép liên doanh không hạn chế vốn góp từ phía nước ngoài.

- 1/1/2009: Cho phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) chỉ được xem xét tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

- 1/1/2010: Các DN FDI được phép cung cấp dịch vụ bán buôn, bán lẻ tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

Nhưng phải đến khi chỉ còn hơn 1 năm nữa (1/1/2009), cánh cửa ngành phân phối sẽ hoàn toàn mở toang với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO, các nhà đầu tư mới nhận định “cơ hội vàng” đã tới.

Ba tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Wal-Mart (Mỹ), Carefour (Pháp) và Tesco (Anh) đã cho Việt Nam vào tầm ngắm. Sức mạnh của “những con cá mập” này thật khó lường. Kinh nghiệm “đau thương” của Trung Quốc là cứ có 1 Carefour mọc lên thì trong vòng bán kính 30 km, các cửa hàng bán lẻ khác đều “bay”.

Nhưng đáng ngại nhất chính là sức lan tỏa dây chuyền mà hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới - Wal-Mart đem lại. Với khẩu hiệu rẻ và rẻ hơn nữa, Wal-Mart có mặt ở đâu là tác động mạnh đến hầu hết các khâu của hàng hóa: sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Đã có nhiều nhà bán lẻ “chết” vì Wal-Mart.

Không chỉ “cá mập” từ châu Âu, Mỹ, nhiều tập đoàn châu Á như Dairy Farm (Hồng Kông), Lotte (Hàn Quốc) và South Asia Investment (Singapo) cũng đang nhăm nhe nhảy vào “xâu xé” phần “bánh”.

Chưa kể, “cá mập” đã vào được “hải phận” Việt Nam như Metro, Big C, Parkson… đang liên tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Metro Cash & Carry đã đạt đến mục tiêu mở 8 siêu thị trên toàn quốc và đang ấp ủ mở thêm 4 trung tâm nữa tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đồng Nai.

Hệ thống siêu thị Big C đang chuẩn bị xây dựng thêm 4 siêu thị mới tại Hà Nội, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho tròn chuỗi 10 siêu thị. Tập đoàn Parkson của Malaysia sắp khai trương thêm hai trung tâm mua sắm nữa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… Các trung tâm mua sắm lớn như Ciputra Mall, The Garden (Hà Nội), Saigon Factory outlet, Eden Mall, Trung tâm mua sắm Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh)… đang khấp khởi chờ ngày ra mắt.

Top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới 2007:

Xếp hạng

Quốc gia

Độ hấp dẫn (%)

Rủi ro quốc gia(%)

Độ bão hoà thị trường(%)

Áp lực thời gian(%)

Điểm số

1

Ấn Độ

42

67

80

74

92

2

Nga

52

62

53

90

89

3

Trung Quốc

46

75

46

84

86

4

Việt Nam

34

57

76

59

74

5

Ukraina

43

41

44

88

69

6

Chile

51

80

42

43

69

7

Latvia

32

77

21

86

68

8

Malaysia

44

70

46

54

68

9

Mexico

58

83

33

33

64

10

Saudi Arabia

40

85

66

35

64

(Nguồn: AT Kearney 2007)

Không nghi ngờ gì nữa, vùng biển này sắp có nhiều cuộc chiến sinh tử!

“Nhà nước phải giúp chúng tôi”

Nhìn vào cơ cấu đầu tư, có đến 72% doanh nghiệp Việt Nam chọn bán lẻ, phân phối, dịch vụ làm “nồi cơm”. Phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ đến rất nhỏ, 55 % có vốn dưới 100 triệu đồng. Như vậy, biển không chỉ có “cá mập” mà có hàng đàn “cá con” đang bơi lội trong khu vực của mình.

Một số “cá lớn” Việt Nam có thể điểm được tên tuổi như Saigon Co-op mart, Satra, Citimart, Maximark… ở phía nam, Hapro, Phú Thái, Intimex, Fivimart… phía bắc và một số chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên ngành như Vinatex mart, Petrolimex, Vinamilk, Vissan, Biti’s, An Phước, Việt Tiến… tuy quy mô lớn, đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn nhưng so với các đại gia bán lẻ nước ngoài vẫn chỉ là chàng David chọi với người khổng lồ.

Wal Mart. (Ảnh: Corbis)

Chính vì thế, càng gần đến thời điểm mở cửa, các nhà bán lẻ nội địa càng cảm nhận rõ “độ rát” của ngọn lửa cạnh tranh. Một cuộc ngồi lại giữa các nhà bán lẻ phân phối trong nước đã được tổ chức tuần qua tại Hà Nội nhằm tìm kiếm khả năng chụm lại để đối phó với “đàn cá mập từ biển vào”. Nhưng đáng buồn là điều nghe được nhiều nhất tại cuộc gặp gỡ này không phải việc làm gì để thành lập hiệp hội các nhà bán lẻ hay hiệp hội sẽ hoạt động thế nào mà lại là kêu gọi sự quan tâm, bảo hộ của Nhà nước.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phú Thái cho rằng, “Nhà nước phải định hướng tỷ lệ phần trăm của nhà phân phối nội địa và nhà phân phối nước ngoài trên thị trường, theo tôi lý tưởng nhất là 70-30 hoặc 60-40”. Còn ông Nguyễn Ngọc Hòa, TGĐ Saigon Co-op mart thì kêu gọi Nhà nước cần dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường như chỉ cho những địa gia như Metro lập 2 siêu thị thôi, không cho lập cả chuỗi…

Có thể nói, đề xuất Nhà nước dùng chính sách can thiệp để hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài được phần đông các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ủng hộ với mong muốn lại tiếp tục được che chắn bảo hộ, dù họ thừa biết vào WTO không còn chỗ cho lối hành xử này. Lập luận của các doanh nghiệp là “cứ cho Wal-Mart mở 10 siêu thị tại Việt Nam thì 80% doanh nghiệp bán lẻ sẽ chết” hoặc “đồng ý là cạnh tranh nhưng cần làm sao cho tương đương nhau chứ bên 1 bên 10 thì làm sao cạnh tranh nổi”, vì theo họ đó là lý do Nhà nước phải “ra tay kỹ thuật”.

Thị trường bán lẻ Việt Nam:

Loại hình:

- Chợ truyền thống: 44%

- Cửa hàng tạp hóa: 40%

- Siêu thị, trung tâm thương mại: 10%

- Bán trực tiếp: 6%

Tỷ lệ đầu tư

- Công nghiệp: 20%

- Thuỷ sản: 1%

- Nông lâm-ngư nghiệp: 7%

- Bản lẻ và Phân phối: 72%

Bức xúc thứ hai là vấn đề mặt bằng đây là vấn đề sống còn quyết định đến cạnh tranh vì trong kinh doanh bán lẻ, mọi thứ đều có thể thay đổi trừ vị trí. Nhưng theo điều tra của tập đoàn quản lý bất động sản hàng đầu thế giới CB Richard Ellis, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.

Chính vì vậy, tìm kiếm những vị trí thuận lợi, chỉ cần rộng trên 1000m² để mở siêu thị là không hề dễ. Ông Đoàn cho rằng “Nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ hay chỉ thị cho các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước về đất đai thì các tỉnh thành sẽ muốn cấp cho các doanh nghiệp FDI hơn”.

Điềm tĩnh hơn, chấp nhận cạnh tranh hơn nhưng bà Hồng Hương, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Vinatex mart cũng kêu gọi “Quan trọng Nhà nước phải có quy hoạch cụ thể và công bố công khai về các địa điểm bán lẻ, ví dụ: Hà Nội, vị trí nào sẽ mở trung tâm thương mại hoặc siêu thị, và có ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước đăng ký tham gia thì chúng tôi còn tranh thủ, không thì đấu thầu công khai”.

Có mặt tại buổi gặp gỡ, các quan chức từ Bộ Công thương đều khẳng định dù rất lo lắng cho hệ thống bán lẻ nội địa song câu trả lời dứt khoát từ phía Chính phủ là sẽ không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước vì phải tuân thủ chặt chẽ theo cam kết WTO. Do đó, đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước phải tỉnh dậy. Không thể đảo ngược mốc thời gian 2009 hoặc trông chờ vào vòng tay bảo hộ của Nhà nước nữa.

Thực tế, sự tham gia sớm của những Metro, Big C, Parkson… đã giúp các doanh nghiệp trong nước tỉnh ngủ phần nào. Sự bừng tỉnh của Hapro với những chuỗi siêu thị màu xanh, sự lớn mạnh của Saigon Co-op mart, Satra, Phú Thái và đặc biệt là việc liên kết 4 nhà (VDA) trên là minh chứng rõ nhất cho thấy tác động tích cực từ việc mở cửa thị trường.

Điều đó cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam không phải không thể tìm được chỗ đứng hoặc hoàn toàn “bó tay” trước cạnh tranh. Đơn giản chỉ là hãy thực sự quên đi sự bảo hộ của Nhà nước để toàn tâm vượt qua những khó khăn của chính mình. Quy luật biển khơi là cá lớn nuốt cá bé, cá nhanh nuốt cá chậm. Cuộc đấu sinh tử đang ở phía trước, còn trông chờ vào sự trợ giúp ngoài nội lực là tự chọn bất lợi cho chính mình.



Theo moi.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường