Nó cao so với chính ta và so với nhiều nước (kể cả những nền kinh tế quá nóng như Trung Quốc). Vài năm gần đây, hầu như rất hiếm quốc gia nào có chỉ số tăng GDP vượt quá 1 chữ số. Nhưng với những nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Nhật... thì chỉ cần tăng trưởng 0,1%, hiệu quả của nó cũng nhận thấy tức thời. Còn với ta, nếu chiếu với vạch xuất phát điểm hiện nay (GDP đầu người mới đạt 720USD cho năm 2006) thì con số 8,5% vẫn chưa phải là mục tiêu lý tưởng. Nhiều nhà kinh tế tính toán rằng, nếu cứ tuần tự như tiến khoảng 7- 8%/năm thì phải vài chục năm nữa, chúng ta mới đuổi kịp các quốc gia phát triển trong khu vực hiện nay (chứ chưa nói tới các quốc gia phát triển nhất thế giới). Và dĩ nhiên đến lúc đó, các nước này cũng sẽ bỏ ta một khoảng cách rất xa.
Chính vì điều này mà tại một số kỳ họp QH trước, có ĐBQH đã đặt vấn đề: Tại sao chúng ta không thể đặt ra những mục tiêu nhảy vọt (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...) cách đây vài thập kỷ?
Và để đạt được như họ, chắc chắn chỉ số tăng trưởng GDP phải thoát khỏi 1 chữ số, mà phải tiến tới 2 chữ số, thậm chí phải ở mức cao 15-17%/năm. Nhưng lúc đó, ý kiến trên cho là quá tham vọng và có phần ảo tưởng!
Nhưng từ năm 2007, thời cục của VN đã rất khác, trong đó có một sự kiện mà trước đó chúng ta chưa hề có - gia nhập mái nhà chung WTO. Dĩ nhiên không ai ảo tưởng là cứ vào WTO thì ta sẽ cất cánh. Nhưng chí ít, nó sẽ tạo ra hai cơ hội rất lớn cho tăng trưởng GDP - đó là gia tăng đầu tư và xuất khẩu.
Trung Quốc sau khi vào WTO đã tạo ra một làn sóng đổ vốn vào nước này, mà bất cứ một quốc gia đang phát triển nào cũng thèm muốn. Lĩnh vực xuất khẩu cũng sẽ tạo ra sức đột phá cho tăng trưởng GDP, bởi với trên - dưới 40 tỉ USD như hiện nay, xuất khẩu đang chiếm tỉ trọng tới 60% GDP.
Có một thuận lý là, càng đầu tư nhiều (đặc biệt là đầu tư nước ngoài), xuất khẩu càng gia tăng. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định rằng, muốn GDP tăng một thì xuất khẩu phải tăng hai. Vài năm tới, nếu tốc độ tăng trưởng XK vượt ngưỡng 30%/năm, chắc chắn GDP có thể vươn tới 13-15%/năm.
Song đó là sự tăng trưởng cơ học, còn có một cách tăng trưởng GDP khác - mà ít người để tâm hoặc chú trọng - đó là loại bỏ những lực cản trong chính nội tại nền kinh tế.
Tại một kỳ họp QH mới đây, có ĐB đã tính toán rằng: Chỉ riêng việc chúng ta chống triệt để lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản thì không cần phấn đấu, tự thân GDP nền kinh tế sẽ tăng trưởng thêm 1%, thậm chí cao hơn. Và nếu chúng ta chú trọng về chất lượng tăng trưởng, tức là chú ý tới giá trị tăng thêm của nền kinh tế thì GDP cũng sẽ tự nhiên tăng thêm.
Xem ra, nếu chúng ta tận dụng triệt để thời cơ để phát triển và làm sạch chính cơ thể nền kinh tế thì chí ít GDP cũng sẽ tăng trưởng ở mức 10% - như nhận định khiêm tốn mới đây của kinh tế gia Võ Đại Lược.