Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người đưa mây tre Ngọc Động vượt “làng”
11 | 10 | 2007
Làm được một sản phẩm mây tre đan đơn giản để đưa ra thị trường là một điều khó, nhưng để xuất khẩu được là cả một quá trình phức tạp hơn nhiều.
Song với lòng say mê, nghiên cứu, phát triển nghề truyền thống của doanh nhân Lê Tiến Dũng (xã Tiên Dung- huyện Hà Nam) đã đưa sản phẩm mây tre đan của Ngọc Động vượt “làng” vươn ra thế giới!

Làng nghề Ngọc Động quê hương anh Dũng từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm làm từ nguyên liệu mây, tre. Anh Dũng hiện là chủ DN tư nhân mây tre đan XK Dũng Nga- người có công lớn khôi phục và mở lại hướng đi cho làng nghề. Anh Dũng kể lại: “Trước năm 1999, Hợp tác xã bị xóa bỏ do sản phẩm làm ra không biết bán đi đâu, bán cho ai. Nhiều hộ gia đình đã chuyển nghề để kiếm kế sinh nhai. Nhà anh cũng nằm trong số đó, cuộc sống rất khó khăn, chưa biết kiếm nghề gì.

Anh tâm sự: “Nhiều đêm nghĩ ngợi thật cám cảnh, mình sinh ra và lớn lên tại làng nghề lại phải chịu bó tay để nghề teo tóp”. Ý nghĩ khôi phục làng nghề thôi thúc anh. Anh Dũng đã quyết định “đánh bạc” với cuộc đời khi quyết định vay mượn và dốc toàn bộ vốn liếng vào làm mây tre xuất khẩu tìm cơ hội cho làng nghề của mình. Anh lặn lội đi đến các cơ sở mây tre đan của Chương Mỹ (Hà Tây), Thái Bình và Thanh Hóa, tìm hiểu liên hệ nơi cung cấp nguyên liệu, mang về phân phát cho bà con trong làng. Sản phẩm chủ yếu là các đồ mây trang trí nội thất, khách sạn, nhà hàng và cả ghế mây cao cấp...

Thời gian đầu sản phẩm của anh Dũng đưa ra thị trường thất bại, nguyên nhân do mẫu mã, kỹ thuật chưa cao nên không thể bán được, tất cả lô hàng nằm “đắp chiếu”. Không nản lòng, anh đầu tư mặt hàng mây xiên, chỉ làm thủ công bằng tay, nên ra đời sản phẩm rất đẹp và độc đáo. Anh Dũng suy nghĩ muốn bán được hàng, ngoài việc tìm kiếm thị trường còn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, mẫu mã phù hợp. Anh dồn sức nghiên cứu các nhuộm màu sắc cho phong phú rồi phổ biến lại cho bà con thôn xóm. Ngoài ra, anh còn tìm thêm nhiều đối tác, mở thêm lớp học nghề cho các xã lân cận phát triển ngành nghề rộng rãi để đáp ứng lượng hàng xuất khẩu. Trời không phụ công người cần cù chăm chỉ làm việc, sản phẩm mây tre đan được nhiều bạn hàng nước ngoài ưa chuộng như Pháp, Đài Loan, Nhật Bản...

Năm 2003, Ngọc Động được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, nhưng tổ hợp sản xuất của anh Dũng chỉ mới có số vốn 500 triệu đồng chưa đủ để xây dựng một doanh nghiệp. Anh Dũng kể lại: “Lúc đó chưa đủ điều kiện lập doanh nghiệp, tôi quyết định xây dựng xưởng sản xuất rộng hơn 3.000 m2, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, như máy hấp, sấy hơi nước áp suất cao để sản xuất ra những sản phẩm mây, giang đan bền đẹp, có màu sắc và hương vị tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trị được mối mọt. Kết quả thật bất ngờ, khách hàng trong nước, đặc biệt là khách hàng quốc tế rất ưa chuộng sản phẩm mây tre của Ngọc Động, cuối năm đó doanh thu từ tổ hợp mây tre của anh đạt hơn 8 tỉ đồng.

Trên đà phát triển, anh Dũng thành lập công ty TNHH Dũng Nga và tiếp tục mở thêm xưởng sản xuất nữa. Không những thế, hàng năm anh còn mở từ 3-5 lớp dạy nghề cho những người dân Hải Nam, Hải Hậu (Nam Định), huyện Bỉm Sơn (Thanh Hóa)… Cũng thời điểm đó, doanh nghiệp của anh làm ăn rất phát đạt. Anh Dũng lại muốn nâng tay nghề với những sản phẩm mây tre sang trọng và hiện đại.

Anh Dũng không ngần ngại kể: “Một lần nữa, tôi lại phải lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh, sang Thái lan để tìm hiểu thị trường. Khi về tôi đã thành lập ngay một tổ chuyên nghiên cứu thiết kế mẫu mã độc đáo và hiện đại. Sau đó, tôi gửi mẫu sản phẩm đi hội chợ quốc tế, từ đó doanh nghiệp của tôi đã nhận được rất nhiều hợp đồng, thậm chí không có hàng để bán. Riêng năm 2004, doanh thu của công ty là 14 tỉ đồng, chủ yếu là nhờ xuất khẩu”. Anh Dũng tự hào nói: “Chắc từ nay đến cuối năm 2007, doanh thu của công ty sẽ khoảng gần 15 tỉ”.

Cuối tháng 9/2007 vừa qua, anh Lê Tiến Dũng được bầu là một trong 77 nông dân giỏi điển hình toàn quốc. Chưa hài lòng với những gì đã có, anh nói: “Tôi còn phải học hỏi và tìm kiếm những thị trường mới để sản phẩm mây tre đan làng Ngọc Động vươn xa hơn nữa. Đó cũng là cách giữ gìn tốt nhất làng nghề truyền thống và làm giàu cho làng Ngọc Động của anh”.



Nguồn: baothuongmai
Báo cáo phân tích thị trường