Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chợ đầu mối nông sản Hà Nội: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra ….
16 | 10 | 2007
Phát triển hệ thống chợ đầu mối nông sản có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Khảo sát một số chợ đầu mối nông sản khu vực Hà Nội cho thấy một thực tế: vấn đề xây dựng, quy hoạch, quản lý và định hướng phát triển của các chợ đầu mối nông sản tại Hà Nội nói chung và hệ thống chợ đầu mối nông sản khu vực phía Bắc nói riêng vẫn còn những vấn đề bất cập cần được tháo gỡ từng bước.

Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng đã có một số chợ đầu mối nông sản tập trung chủ yếu tại các vùng nguyên liệu, các khu dân cư đông đúc và xung quanh các thành phố lớn như Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Kim Phượng (Lục Ngạn, Bắc Giang); Thanh Hà (Hải Dương). Hà Nội có 03 chợ đầu mối nông sản (ĐMNS) được quy hoạch đầu tư xây dựng, đó là: chợ ĐMNS Phía Nam, chợ ĐM Bắc Thăng Long, chợ ĐMNS Phùng Khoang. Bên cạnh đó, chợ Long Biên cũng là một trong những đại điểm thu hút khá nhiều các hộ sản xuất kinh doanh và thương lái tại các địa phương đến tham gia giao dịch nông sản.


Chợ ĐMNS Phía Nam có diện tích hơn 23.000 m2, là địa điểm buôn bán nông sản thường xuyên của các tư thương, doanh nghiệp khu vực Thanh Trì (Hà Nội), Thường Tín, Quốc Oai (Hà Tây), Văn Lâm (Hưng Yên) và một số địa phương lân cận. Chợ hoạt động chủ yếu từ 20h đêm hôm trước, kéo dài đến 8h sáng hôm sau. Mặt hàng nông sản tại chợ chủ yếu là rau quả và trái cây. Hình thức mua bán tại chợ cũng khá đặc thù. Chợ rau diễn ra từ khoảng 3h sáng cho đến 8h sáng, bao gồm cả hoạt động bán buôn cho các đại lý kinh doanh và bán lẻ cho người tiêu dùng. Chợ hoa quả bắt đầu mở vào khoảng 20h đêm cho đến 3h sáng.


Bán hoa quả tại chợ Đầu mối Nông sản phía Nam

Riêng hoa quả tại đây không bán lẻ, chủ yếu bán theo hình thức sang xe trực tiếp hoặc được tập kết lại và vận chuyển lên chợ Long Biên, bán buôn cho cácc hộ kinh doanh tại chơ. Chợ ĐMNS Phía Nam thu hút khoảng gần 1000 lượt người tham gia với lưu lượng hàng hoá qua chợ ước khoảng 200 tấn/ngày đêm. Chợ ĐMNS Phía Nam được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng bên trong hàng rào chợ khá hoàn thiện với tổng diện tích nhà lồng lên tới 4.906 m2. Các kiot kinh doanh chia thành nhiều loại như 5m2, 27m2, 40 m2, có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu kinh doanh của người dân.

Chợ Long Biên hình thành từ 1992 và được biết đến như là một địa điểm tập kết hàng nông sản (chủ yếu là hoa quả) vào loại lớn nhất của khu vực phía Bắc. Mặt hàng nông sản, thực phẩm tại đây có nguồn gốc khá phong phú, trong đó chủ yếu là hàng nông sản của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang… và các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, chợ Long Biên cũng là địa điểm tập kết lớn nhất hàng nông sản, trái cây của Trung Quốc.Chợ hoạt động suốt ngày đêm. Lưu lượng hàng hoá qua chợ rất lớn, ước khoảng 300 tấn/ngày đêm đối với mặt hàng hoa quả, 5-7 tấn/ngày đêm đối với mặt hàng thuỷ sản. Chợ Long Biên thu hút đông đảo các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại Hà Nội và một lượng không nhỏ người tiêu dùng.

Chợ ĐM Bắc Thăng Long được thành lập năm 2004 nhằm thu hút các hộ kinh doanh nông sản khu vực bắc Hà Nội như huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một số huyện của tỉnh Vĩnh Phúc. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu tại chợ là gia súc, gia cầm với lưu lượng hàng hoá qua chợ khoảng 9 – 10 tấn/ngày với khoảng 700 lượt người. Trong chợ cũng đã hình thành nên các lò giết mổ tập trung khá quy mô, được quản lý, kiểm dịch vệ sinh an toàn rất chặt chẽ. Tổng diện tích được quy hoạch là 2,3 ha, trong đó diện tích xây dựng chiếm khoảng 6000 m2 bao gồm các hạng mục như: nhà kho (khoảng 3000 m2); các kiot; lò giết mổ gia súc, gia cầm; bãi gửi xe và hệ thống đường giao thông nội bộ, đảm bảo phục vụ một cách tốt nhất cho nhu cầu buôn bán, kinh doanh của các hộ, tiểu thương..


Buôn bán gia cầm tại chợ Đầu mối Bắc Thăng Long


Việc xây dựng, quy hoạch và phát triển hệ thống chợ ĐMNS phía Bắc nói chung và quanh Hà Nội nói riêng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu kinh doanh, bước đầu hình thành thị trường tiêu thụ nông sản với quy mô lớn. Tuy nhiên, trong thực tế quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống chợ ĐMNS còn gặp không ít những khó khăn, bất cập.


Chợ Long Biên, đất chật, người đông


Chợ Long Biên được hình thành khá sớm (1992), do vậy việc quy hoạch và phát triển chợ như một địa điểm tập kết hàng hoá nông sản đã không còn phù hợp nữa. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu nhất là do lượng người tham gia mua bán tại chợ ngày càng đông, trong khi diện tích chợ hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu và cũng không có khả năng mở rộng; chợ ở trong khu vực dân cư đông đúc, gần bến xe, ga xe lửa...do vậy thường xuyên gây lên tình trạng ùn tắc giao thông; việc đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực chợ còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Trước thực trạng nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng chợ ĐMNS Phía Nam (phường Tam Trinh, quận Hoàng Mai) nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, kinh doanh mặt hàng nông sản cho khu vực phía Nam thành phố; đồng thời chuyển dần các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên để giảm thiểu sức ép cho chợ này.

Chợ đầu mối nông sản, chưa phải cho nông sản


Tại chợ ĐMNS Phía Nam, sau hơn 5 năm hoạt động vẫn chưa thể hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ mà những nhà quy hoạch phác thảo cho nó. Đoạn đường dẫn vào chợ khá hẹp, lưu lượng xe và người qua lại nhiều nên thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Hệ thống nhà kho với diện tích khá lớn, trung bình từ 27 – 40m2 chưa được sử dụng hết. BQL Chợ cho biết, những nhà kho dung để cho thuê kinh doanh, nhưng do những hộ kinh doanh tại Long Biên vẫn chưa chuyển về thế nên kho vẫn đóng cửa.


Chợ ĐMNS Phía Nam hàng ngày thu hút một lượng rất lớn nông dân, tiểu thương đến tham gia mua bán nông sản, trong đó hầu hết là những hộ kinh doanh cố định theo tháng. Tuy nhiên, họ cũng không có kiot kinh doanh kiên cố, mọi hoạt động kinh doanh của họ diễn ra ngoài trời, trong khuôn viên của chợ. BQL Chợ chia cho mỗi hộ một vuông đất, rộng khoảng 5-7m2 và thu phí theo ngày dựa trên lượng hàng hoá họ mang vào chợ mỗi ngày.


Chợ ĐM Bắc Thăng Long cũng trong tình trạng tương tự. Gần ½ diện tích chợ được sử dụng để làm bãi trông giữ xe ô tô. Chợ mới chỉ thu hút các hộ kinh doanh mặt hàng gia súc, gia cầm, hình thành nên khu giết mổ tập trung. Các mặt hàng nông sản khác như rau quả, trái cây...chưa được hình thành và phát triển.


Những hạn chế nêu trên đòi hỏi cần phải được khắc phục, đảm bảo hệ thống chợ ĐMNS đóng góp một cách tích cực nhất trong việc hỗ trợ thị trường nông sản, mở rộng kênh tiêu thụ cho người sản xuất, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ra nhập WTO.


Những định hướng mới


Chợ Long Biên đang dần thực hiện việc chuyển đổi loại hình từ chợ bán buôn sang hình thức bán lẻ để hạn chế bớt lượng hàng hoá tập trung tại chợ, đưa các hộ kinh doanh bán buôn về chợ ĐMNS Phía Nam. Trong tương lai không xa, chợ Long Biên sẽ được quy hoạch, xây dựng và hình thành nên một trung tâm thương mại theo mô hình tổ chức giống như chợ Đồng Xuân.


Tại chợ ĐM Bắc Thăng Long, phải đưa ra các giải pháp cần thiết để thu hút các hộ, cá nhân kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như rau củ, hoa quả...đảm bảo sự dụng tối đa, đúng mục đích phần diện tích được quy hoạch. Chợ ĐMNS Phía Nam đang làm thủ tục để chuyển đổi mô hình tổ chức sang hình thức doanh nghiệp, tới đây sẽ chịu sự quản lý của Tổng công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro). Theo đại diện của BQL Chợ cho biết, việc chuyển đổi này hết sức quan trọng, giúp cho BQL Chợ sẽ chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh và phát triển mô hình chợ hoàn thiện hơn, ngày càng thu hút đông đảo các hộ nông dân, thương lái đến tham gia kinh doanh.

Liên hệ với tác giả bài viết: Phạm Văn Hanh - Email: phamvanhanh@agro.gov.vn



Phạm Văn Hanh (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường