Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làn sóng “xâm lược” của các “đại gia” bán lẻ ngoại
18 | 10 | 2007
Sự xuất hiện của Metro, Big C, Parkson và sắp tới rất có thể là Lotte Shopping, Carrefour, Tesco và đặc biệt là Wal-Mart là những dấu hiệu đã và đang tạo ra làn sóng “xâm lược” của các “đại gia” bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Nhiều khó khăn và hạn chế

Theo lộ trình gia nhập tổ chức thương mãi thế giới (WTO) của Việt Nam thì năm 2009 sẽ là năm bắt đầu cho cuộc thay đổi lớn đối với thị trường bán lẻ, bởi khi đó, các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế sẽ có thể thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài thay vì phải xin phép lập liên doanh.

Trước tình hình đó thì các nhà bán lẻ nội như: Hapro Mart, Phú Thái, Saigon Co.op, Vinatex Mart… đang lo lắng “ra mặt”. Sự xâm nhập ngày càng nhiều của các thương hiệu ngoại vào lĩnh vực bán lẻ đã dần dần làm cho các doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hụt hơi trong việc cạnh tranh.

Việc các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải chống chọi với những tập đoàn đa quốc gia rất mạnh về tài chính, cách quản lý hiện đại là việc làm khó khăn. Điều đó cũng dễ hiểu vì chúng ta vừa mới bước những bước đầu trong công cuộc hội nhập vào kinh tế thế giới.

Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái - ông Phạm Đình Đoàn, cũng không giấu được lo lắng trước sự sống còn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước: “Cần có sự bảo hộ từ những chính sách vĩ mô của Nhà nước. Nhà nước cần phải định hướng về việc phân chia tỷ lệ phần trăm của nhà phân phối nội địa và nhà phân phối nước ngoài”.

Vẫn theo ông Đoàn, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mở từ 1-2 trung tâm bán lẻ thì không đáng ngại. Nhưng nếu cho phép họ tự do tạo thành những chuỗi thì “ít nhất 80% doanh nghiệp bán lẻ nội có nguy cơ phá sản, kể cả những doanh nghiệp lớn”.

Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất bị động trong việc nắm bắt thị trường cũng như cung cách quản lý hiện đại. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất lẻ tẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu vốn và những chiến lược dài hạn.

Giải pháp…

Công bằng mà nói, mặc dù gặp rất nhiều bất lợi trước sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài nhưng đó là chiếc “đòn bẩy” giá trị để giúp các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát triển vươn lên khẳng định mình trên thương trường thế giới.

Các doanh nghiệp trong nước, ngoài những khó khăn còn có nhiều sự thuận lợi hơn các doanh nghiệp nước ngoài đó là yếu tố con người. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ thời gian trước khi có sự “xâm lược” của làn sóng từ các nhà bán lẻ ngoại.

Lạc quan trước sự cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc Vinatext Mart cho rằng: “Khi thị trường bán lẻ mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn có thể đứng vững nếu có sự “đỡ đần” từ Nhà nước”.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước không nên trông chờ quá nhiều vào những chính sách bảo hộ của Nhà nước mà phải tự thân vận động để cải tổ nội lực và những bất cập của họ hiện nay.

Sự bảo hộ từ những chính sách vĩ mô của Nhà nước chỉ là một phần nào đó, cái chính vẫn là bản thân các doanh nghiệp. Không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt, tại sao các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lại thua kém những doanh nghiệp nước ngoài?

Nguồn lực thì các doanh nghiệp trong nước có thừa, vấn đề là vẫn chưa biết cách sử dụng một cách hiệu quả mà thôi, cái mà các doanh nghiệp nội thua kém nhất đó là vốn và thiếu chuyên nghiệp.

Trên thực tế các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang dần có dấu hiệu xích lại gần nhau để hợp tác cùng kinh doanh chung một mặt bằng (Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái đã liên kết thành VDA). Nhưng điều này cần phải được phát huy và mở rộng hơn nữa để tạo thành một tập đoàn. Có như vậy mới đủ sức cạnh tranh với những doanh nghiệp ngoại mạnh về tài chính.



Theo Dân trí
Báo cáo phân tích thị trường