Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam cần có quy hoạch tốt nguồn nguyên liệu chè để cạnh tranh trên thị trường thế giới
24 | 10 | 2007
Việt Nam - nước có ngành sản xuất chè truyền thống hàng trăm năm với nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng nhưng đến nay Việt Nam chưa xây dựng được thươnghiệu chè được cả thế giới biết đến.
Không những thế, sản phẩm chè mà Việt Nam vẫn xuất khẩu lâu nay chỉ là chè bán thành phẩm với chất lượng ở mức trung bình.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thị trường chè cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được một lượng rất ít chè bán thành phẩm. Không những thế Việt Nam còn có nguy cơ mất thị trường khu vực này. Như thị trường Đức là nước nhập khẩu chè Việt Nam nhiều nhất trong EU nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 2-3 nghìn tấn trên tổng số 21 nghìn tấn chè nhập khẩu vào Đức mỗi năm. Thị phần này hiện đang có xu hướng giảm khi gần đây Đức đã gửi lại Việt Nam một số mẫu chè xuất khẩu cùng với yêu cầu kiểm tra lại vì chất lượng không đảm bảo. Việc trả lại hàng không phải là phổ biến nhưng cũng là một cảnh báo về nguy cơ mất thị trường của ngành chè Việt Nam. Các thị trường khác như Anh, Ba Lan, Pháp,…. cũng giảm lượng nhập khẩu đáng kể.

Không chinh phục được thị trường chất lượng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam đành hướng đến các thị trường bình dân như Trung Quốc,Nga, Đài Loan, Ấn Độ và thị trường các nước Châu Phi. Theo Hiệp hội chè Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu chè cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chè các nước này. Đài Loan mỗi năm nhập khẩu khoảng 17 nghìn tấn chè của Việt Nam. Sở dĩ có lượng lớn như vậy là do Đài Loan có một ngành công nghiệp chế biến chè phát triển với những thương hiệu nổi tiếng. Chè của Việt Nam được bán vào Đài Loan với giá chè bán thành phẩm, nguyên liệu. Sau đó các doanh nghiệp Đài Loan chế biến lại, gắn nhãn mác mới và bán ra thị trường có giá trị cao. Những sản phẩm chè thành phẩm này lại được xuất đi khắp thế giới và ngay cả ngược lại thị trường Việt Nam với thương hiệu của Đài Loan. Tương tự như thị trường Nga, thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của chè Việt Nam với khoảng 10 nghìn tấn/năm. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này nhưng xuất khẩu chủ yếu vẫn là chè nguyên liệu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam khẳng định, dù muốn phát triển thế nào thì ngành chè Việt Nam cũng phải giải quyết khâu chất lượng nguồn nguyên liệu. Hiện việc phát triển vườn chè và cơ sở chế biến không gắn kết với nhau. Do đó nhà máy được quy hoạch nguồn nguyên liệu thì bị những cơ sở chế biến nhỏ lẻ tự phát tranh giành nguyên liệu. Hệ quả là vườn chè không được áp dụng công nghệ tiên tiến, người dân chăm bón không đúng cách, có khi dùng cả các loại chất đã bị cấm, rồi vì nguồn nguyên liệu mà người ta hái cả cẳng chè đi bán.

Vấn đề hiện nay là việc quy hoạch hệ thống cơ sở chế biến chè. Sau một thời gian mọi nơi, mọi người đều có thể mở xưởng chế biến chè bằng bất cứ công nghệ nào, sự phát triển manh mún đó dẫn đến sản lượng các vườn chè chỉ đáp ứng được 1/2 công suất chế biến, có địa phương chỉ được vài mươi phần trăm. Số cơ sở mở ra tự phát và đáng báo động như các địa phương Phú Thọ, Yên Bái…Điều này khiến khiến cho nguồn chè sơ chế tốt của Việt Nam không có. Mặc dù các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu chè bán thành phẩm nhưng giá chè của Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% giá chè cùng loại của nhiều nước.Đây là một thiệt thòi trực tiếp cho chính các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân. Tệ hại hơn, Việt Nam đã không có nhiều chè chất lượng cao để xuất khẩu và thế giới chỉ nhìn Việt Nam là một nước xuất khẩu chè chất lượng trung bình.



Nguồn: baothuongmai
Báo cáo phân tích thị trường