Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới
25 | 10 | 2007
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu 67.000 tấn hồ tiêu, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2006 nhưng kim ngạch tăng 29,2%, đạt 210 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân đạt 3.134USD/T, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, năm 2007, lượng hồ tiêu xuất khẩu có thể giảm 20% so với năm 2006 nhưng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp 2 lần, đạt khỏang 310 triệu USD.

Sản xuất

 

Việt Nam là một trong những nước chủ yếu góp phần làm tăng trưởng sản lượng hồ tiêu trên thế giới trong những năm qua. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới không những giảm mạnh về diện tích canh tác mà các hộ trồng tiêu cũng giảm mức đầu tư chăm sóc vườn tiêu, dẫn tới đất đai bạc màu, cây trồng trở nên cằn cỗi và sâu bệnh phát triển, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn giữ ổn định về diện tích hơn 500.000 ha và sản lượng luôn ở mức trên dưới 100.000 tấn. Tuy nhiên, 8 tháng/2007, theo báo cáo của Hiệp Hội Hồ tiêu Việt Nam, tổng sản lượng hạt tiêu năm nay có khả năng sẽ giảm khoảng 10-15% xuống 85.000-90.000 tấn so với mức 125.000 tấn năm 2006. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng và khô hạn trên diện rộng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây tiêu. Bên cạnh đó, việc canh tác và phát triển diện tích một cách tuỳ tiện, không theo quy hoạch, không chú trọng khâu chọn giống cũng như xử lý đất và sử dụng phân bón hoá học quá nhiều đã làm giảm năng suất và chất lượng hồ tiêu. Tại một số tỉnh có diện tích lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Phú Quốc, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), Chư Sê (Gia Lai) và một số huyện Đắk Lắk năm nay mất mùa nặng, năng suất, sản lượng đều giảm 40-45% so với năm 2006. Cụ thể, diện tích trồng tiêu tại Phú Quốc, sau những ảnh hưởng của thời tiết và thời gian trước giá tiêu rớt mạnh, diện tích trồng tiêu chỉ còn khoảng 450 ha, giảm hơn 50% so với năm 2001.


Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 2007

 

Thị trường

 

Tuy bị giảm sản lượng tại các vườn tiêu nhưng giá tiêu trong nước 8 tháng/2007 lại tăng trên dưới 3 lần so với năm 2006. Đặc biệt trong tháng 7/07 giá hạt tiêu trong nước có sự biến động tăng giảm không ổn định và xu thế trái ngược so với các tháng trước đó. Đầu tháng 7, giá tăng nhẹ sau đó giảm dần và phục hồi trở lại vào giữa tháng. Tuy nhiên, đến cuối tháng giá tiêu tại thị trường trong nước lại giảm. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu cao hơn gấp đôi. Mức giá bình quân của tháng 7/07 là 51.625 đ/kg, cao hơn so với 50.750 đ/kg của tháng 6/07 và hơn 2,2 lần so với 22.808 đ/kg của tháng 7/06. Nguyên nhân là do lượng cung không còn nhiều và do hoạt động giao dịch trầm lắng trên thị trường thế giới. Tháng 8 và tháng 9, giá tiêu tại thị trường trong nước vẫn tiếp tục tăng và ổn định ở mức cao.



Nguồn: Trung tâm Thông tin PT NNNT, www.agro.gov.vn

 

Tính trong 8 tháng đầu năm 2007, lượng tiêu xuất khẩu đạt gần 57.000 tấn, kim ngạch 177 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng giảm 42%, kim ngạch tăng 22%. Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam từ năm 1988 đến 2004 tăng liên tục, trung bình 9%/năm. Các năm tiếp theo xuất khẩu tiêu của Việt Nam tiếp tục và đạt mức cao. Năm 2006, Việt Nam xuất khẩu được 116.670 tấn, chiếm 50% lượng tiêu toàn cầu.



Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 2007

 

Từ giữa tháng 6/2006, giá hồ tiêu tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua (từ tháng 8/2001-tháng6/2006), có thời điểm vượt ngưỡng 3.000 USD/tấn đối với tiêu đen và trên 4.000 USD/tấn đối với tiêu trắng. Trong hơn 4 năm qua, giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam bình quân chỉ đạt mức 1.150 USD/tấn. 8 tháng/2007, giá tiêu xuất khẩu tiếp tục tăng cao và đạt mức 3.500-3.600 USD/tấn. Giá hạt tiêu 8 tháng đầu năm 2007 tăng cao do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Việt Nam mất mùa ở mức cao hơn so với mức mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự đoán ban đầu. Thứ hai, do sản lượng tiêu thế giới niên vụ 2007/08 sẽ giảm khoảng 15 -20% do thời tiết xấu và dịch bệnh ở nhiều khu vực trồng tiêu. Sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2007 sẽ chỉ đạt 266.000 tấn, so với 314.270 tấn năm 2005 và 269.900 tấn năm 2006. Dự kiến, cung hạt tiêu toàn cầu năm 2007 sẽ đạt 329.000 tấn, nguồn cung giảm tại hầu hết các nước sản xuất lớn trong khi nhu cầu hạt tiêu vẫn đang tăng mạnh, lên tới 376.500 tấn do nhu cầu lớn của ngành công nghiệp chế biến, do nhu cầu tại Nga, Trung Quốc và Ấn Độ tăng, xuất phát từ ngành chế biến thực phẩm. Vì vậy, thị trường hạt tiêu thế giới năm nay sẽ thiếu hụt khoảng 47.500 tấn.

 

Do hai nguyên nhân trên, nên các hộ nông dân, các nhà cung ứng có hiện trượng giữ hàng chờ giá lên để thu được lợi nhuận cao hơn. Hiện nay, lượng tiêu tồn kho của Việt Nam còn khoảng 30.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang tăng cao. Dự báo giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới.



Nguồn: GSO, 2007

 

Thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam liên tục được mở rộng. Năm 2002, tiêu Việt Nam được xuất khẩu sang 30 nước. Từ năm 2005 trở lại đây, Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở trên gần 80 quốc gia. Trong đó Châu Âu (Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha,..) là thị trường đòi hỏi chất lượng khá cao, nhưng niên vụ 2005/2006, tiêu Việt Nam đã chiếm thị phần trên 40%.

 

Một vài nhận định và dự báo

 

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, dự báo các tháng cuối năm 2007, giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao, dao động trong khoảng 3.500 USD – 3.700 USD/tấn. Dự đoán trên được đưa ra sau khi có thông tin sản lượng hạt tiêu thế giới niên vụ 2007 – 2008 tiếp tục giảm, dẫn đến tiếp tục thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá tiêu lên cao. Các chuyên gia cho rằng, giá xuất khẩu hạt tiêu có thể tăng từ 3.500 USD/tấn như hiện nay lên 4.000 USD/tấn vào năm 2008, nếu thời tiết xấu và sâu bệnh tiếp tục hoành hành. Và có nhiều khả năng, giá hạt tiêu thế giới sẽ giữ ở mức cao trong ba năm tới.

 

Trong chiến lược định hướng phát triển Hồ tiêu Việt Nam từ nay đến năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nêu rõ mục tiêu phát triển bền vững ngành hồ tiêu như sau:

-       Ổn định diện tích trong khoảng 40.000-50.000 ha, tập trung canh tác trên diện tích hiện có, tăng cường chọn giống tiêu tốt, thay thế các giống kém hiệu quả.

-       Đầu tư thiết bị chế biến hiện đại, cải tiến chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Để cây tiêu Việt Nam có được thương hiệu riêng của mình trên thị trường quốc tế, trách nhiệm này không chỉ đặt lên vai người nông dân và các doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ tích cực từ chính sách và những giải pháp đồng bộ trong tất cả các khâu như sản xuất, chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn, xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu phát triển bền vững, của Nhà nước và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

 

Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) đánh giá, thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là gần đây cả chất lượng và sản lượng hạt tiêu Việt Nam đều ổn định, trong khi sản lượng của các nước này đang giảm, trong đó có Ấn Độ là nước sản xuất tiêu hàng đầu thế giới.  Tuy nhiên, IPC cũng khuyến cáo, lâu nay ngành hồ tiêu Việt Nam và các nhà thu mua xuất khẩu vẫn có điểm yếu về vốn. Khi được giá thì tranh mua tranh bán, giá hạ thì nhà thu mua cố ép giá nông dân. Cả nông dân và nhà thu mua chưa đủ thông tin về thị trường thế giới để chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất.


Liên hệ với tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhung - nguyentrangnhung@agro.gov.vn



Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường