Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển rau an toàn: Phải bắt đầu từ quy hoạch!
26 | 10 | 2007
Chưa bao giờ chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề rau an toàn (RAT) được Bộ NN-PTNT và Chính phủ quan tâm như hiện nay. Phải bắt đầu từ đâu để giải quyết tận gốc vấn đề này? Nhiều nhà quản lý cho rằng, phải bắt đầu từ quy hoạch…

Bài 1: Theo chân đoàn kiểm tra RAT

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, 2 đoàn kiểm tra của Cục BVTV và Cục Trồng trọt đã đi kiểm tra các vùng sản xuất RAT tại Hà Nội.

Cái này tôi không biết, phải hỏi giám đốc…

Dựa trên danh sách các vùng sản xuất rau của Hà Nội, đoàn kiểm tra đã chọn bất kỳ một số vùng sản xuất RAT được Chi cục BVTV Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản xuất RAT (GCN sản xuất RAT). Đoàn kiểm tra của Cục Trồng trọt do Phó Cục trưởng Phạm Đồng Quảng dẫn đầu tập trung kiểm tra quy hoạch vùng sản xuất, chứng nhận điều kiện sản xuất, quy trình sản xuất và chất lượng RAT. Đoàn có sự tham gia của Viện Nông hoá thổ nhưỡng lấy mẫu đất và mẫu nước phân tích, Cục BVTV phân tích dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng trong rau…

Xét nghiệm mẫu nước tưới ngay tại ruộng rau

Vùng sản xuất RAT đầu tiên đoàn đến là xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì. Ông Võ Hồng Hải, Chủ nhiệm HTXNN Duyên Hà báo cáo: “Năm 1996, Sở KHCN Hà Nội đã chứng nhận Duyên Hà nằm trong vùng quy hoạch sản xuất RAT, nhưng nay đã hết hạn, chúng tôi chưa được cấp lại. Tuy nhiên, Duyên Hà có đất tơi, xốp, mát, không có nguồn nước thải chảy qua…, có lẽ trồng rau cũng đảm bảo. Về đào tạo nông dân trồng RAT, năm 2004 một tổ chức của Đan Mạch đã làm”.

Ông Hải cho biết thêm: “Hiện chỉ duy nhất Cty CP Sản xuất nông sản Hà Nội trên địa bàn xã được cấp GCN sản xuất và tiêu thụ RAT. Tuy nhiên, diện tích sản xuất RAT của Cty này chỉ có 1,015 ha và thời hạn cấp GCN cũng đã hết”. Đoàn kiểm tra hỏi Cty thực hiện quy trình sản xuất RAT như thế nào, một ngày tiêu thụ bao nhiêu tấn rau, ông Đăng Bá Thắng, PGĐ Cty trả lời: “Cái này tôi không nắm rõ, phải GĐ mới nắm được”.

Tuy nhiên, khi trả lời NNVN, ông Thắng lại cho biết: “Trung bình mỗi ngày Cty tiêu thụ từ 0,5-1 tấn rau. Chủ yếu cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội. Thời điểm này ít rau chỉ khoảng 0,1 tấn”. Cty chỉ có 1,015 ha RAT thì lấy đâu ra mỗi ngày 0,5-1 tấn rau để bán? Tôi hỏi tiếp. Ông Thắng thật thà: “Thì mình chọn thu mua rau đẹp của dân chứ…”.

Dẫn đoàn kiểm tra ra khu trồng rau 1,015 ha để lấy mẫu phân tích, ông Thắng chỉ đoàn kiểm tra lấy mẫu một cánh đồng, còn lấy rau phân tích ở một cánh đồng khác. Nơi lấy rau phân tích chỉ là một khóm rau trong mảnh ruộng 0,7 sào, phần lớn diện tích trồng cây khác. Một số nông dân sản xuất tại khu vực này cho biết thêm: “Nhà nào có thể tiêu thụ được thì tự đi tiêu thụ còn không đều bán cho Cty của ông Thắng”. Tại diện tích RAT của Cty, Chi cục BVTV Hà Nội dã phát hiện rau nhiễm kim loại đồng vượt mức cho phép. 

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Hà Nội đã từng phát hiện ông Phạm Văn Tá, Phó GĐ Cty TNHH Hồng Phú (nay là giám đốc Cty CP Nông sản HN) làm giả GCN sản xuất RAT của Sở NN-PTNT Hà Nội để cung cấp rau vào một số trung tâm thương mại. Ông Tá khai: “Từ năm 2006, do yêu cầu của một số trung tâm thương mại và cửa hàng cần có GCN RAT tôi đã cắt dán GCN RAT của một đơn vị khác làm GCN của Cty mình.”

Tại HTX sản xuất tiêu thụ rau Đạo Đức, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, đoàn cũng kiểm tra những nội dung tương tự. Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Đạo Đức cho biết: “Mỗi ngày các siêu thị lớn của Hà Nội và các bếp ăn tập thể nhập của HTX khoảng trên 1 tấn rau. Diện tích sản xuất RAT được Chi cục BVTV Hà Nội chứng nhận là 10 ha”. Tuy nhiên, trả lời NNVN, bà Liên lại khẳng định: “Hiện HTX đang trồng 20 ha rau, với 220 xã viên. Trong đó có 10 ha rau được chứng nhận sản xuất RAT, 10 ha chưa được chứng nhận do gần làng nhưng không có ô nhiễm nên chúng tôi vẫn sản xuất, cung cấp rau cho các siêu thị và bếp ăn tập thể.”

Vậy có thể hiểu là, các vùng RAT đều có chứng nhận sản xuất RAT do Chi cục BVTV Hà Nội cấp. Tuy nhiên, diện tích được chứng nhận rất ít nhưng nó lại đại diện cho cả vùng rau.

Chi cục BVTV Hà Nội làm ẩu?

Sở NN-PTNT Hà Nội vừa trình UBND thành phố đề án sản xuất và tiêu thụ RAT với tổng số tiền lên tới 500 tỷ đồng. Kinh phí này để xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình, chuyển giao KHKT, xây dựng trung tâm kiểm nghiệm chất lượng…Với số tiền khổng lồ đó dư luận chờ xem Hà Nội sẽ phát triển RAT như thế nào.

Tại thời điểm này chưa thể khẳng định được những vùng trồng RAT được kiểm tra có an toàn hay không vì phải chờ kết quả phân tích đất, nước và rau. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn nhận thấy nhiều vấn đề thể hiện sự “bừa bãi” trong trồng RAT và sự yếu kém trong quản lý Nhà nước theo quy định. Đại diện Chi cục BVTV Hà Nội báo cáo với đoàn kiểm tra: “Hà Nội đã thực hiện kiểm tra các điều kiện đất, nước ở 500 điểm sản xuất rau, trong đó có 108 điểm đủ điều kiện. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định đất, nước không an toàn thì rau không an toàn nên chưa thể kết luận các vùng rau không đủ điều kiện thì rau không an toàn. Hà Nội cũng đã cấp 29 GCN sản xuất RAT với tổng diện tích là gần 170 ha và 9 GCN cho cơ sở đủ điều kiện chế biến RAT”.

Ông Hà Quang Dũng, Phó Trưởng đoàn kiểm tra Cục Trồng trọt cho rằng: “Qua kiểm tra cho thấy, Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ QĐ04, ký tháng 1/2007 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Thứ nhất, chưa chứng nhận những vùng đủ điều kiện về đất và nước cho các vùng sản xuất RAT. Thứ hai, chưa chứng nhận chất lượng RAT. Thứ ba, chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất RAT. Ngoài ra, việc cấp GCN cho các vùng sản xuất và tiêu thụ RT của Chi cục BVTV Hà Nội là trái thẩm quyền. Vì theo quy định tại QĐ04 Chi cục BVTV các tỉnh, thành phố không được cấp GCN RAT mà là Sở NN-PTNT. Không những trước khi có QĐ04 mà sau khi có QĐ04, Chi cục BVTV Hà Nội vẫn cấp GCN sản xuất RAT cho các vùng sản xuất rau vào tháng 2, 3, 4/2007.”

Trao đổi với NNVN ông Phạm Đồng Quảng, Trưởng đoàn kiểm tra Cục Trồng trọt khẳng định: “Dù cố gắng nhiều nhưng đến nay Hà Nội chưa làm xong việc chứng nhận những vùng đủ điều kiện sản xuất RAT và chưa chứng nhận chất lượng RAT. Cả hai việc làm này phải song song với nhau vì không phải có điều kiện an toàn là có RAT đâu. Dù Hà Nội đã có 1 tổ chức được chứng nhận chất lượng RAT nhưng chưa hoạt động. RAT được trao đổi trên thị trường hiện nay chỉ là tín chấp, dựa theo sự tin tưởng lẫn nhau chứ chưa được chứng nhận chất lượng”.



Nguồ: nongnghiep
Báo cáo phân tích thị trường