Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thông tin tài chính minh bạch- Hiểu sao cho đúng?
26 | 09 | 2007
Khi nói đến tính minh bạch trong thông tin tài chính, những người làm nghề Kế toán thường hiểu theo nghĩa Báo cáo tài chính phải được lập theo đúng các quy định, chuẩn mực về Kế toán-Tài chính. Điều này tuy đúng nhưng chưa đủ. Việc lập báo cáo tài chính theo đúng các quy định hiện hành mới chỉ bảo đảm được tính tuân thủ, nhưng chưa phát huy được vai trò của Kế toán như là một “ngôn ngữ của thế giới kinh doanh”. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập một khía cạnh khác của yêu cầu thông tin tài chính minh bạch – tính hữu dụng của Báo cáo tài chính.

Chức năng cơ bản của Báo cáo tài chính là cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các đối tượng này đưa ra các quyết định tối ưu. Các đối tượng bên ngoài thường được nhắc tới là các nhà đầu tư, các ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp. Trong một nền kinh tế mà nguồn vốn chủ yếu huy động qua thị trường vốn thì vai trò của các nhà đầu tư được đặc biệt quan tâm. Việc cung cấp thông tin tài chính minh bạch cho các nhà đầu tư góp phần giảm thiểu rủi ro do “thông tin không cân xứng”. Kết quả là các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng chấp nhận mức lợi tức kỳ vọng thấp hơn, qua đó làm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, vai trò của Kế toán trong một nền kinh tế phát triển không chỉ giới hạn ở việc tuân thủ đúng các quy định hiện hành về Tài chính - Kế toán, mà yêu cầu giờ đây đã trở nên cao hơn: cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư. Để đáp ứng yêu cầu này, người làm Kế toán phải nắm rất vững các quy định hiện hành về Kế toán-Tài chính để không chỉ tuân thủ đúng mà còn phải biết vận dụng các quy định này một cách linh hoạt nhằm bảo đảm Báo cáo tài chính cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho các nhà đầu tư. Nói nôm na theo ngôn ngữ những người làm nghề Kế toán là phải biết “phù phép” số liệu báo cáo tài chính.

Phù phép báo cáo tài chính – nhìn từ góc độ tích cực

Khi nói đến phù phép báo cáo tài chính, nhiều người thường nghĩ tới việc các doanh nghiệp gian lận trong báo cáo tài chính nhằm các mục đích xấu. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Hiểu một cách tổng quát nhất thì “phù phép báo cáo tài chính” (Earnings management) là việc doanh nghiệp sử dụng một số kỹ thuật nhằm thay đổi số liệu báo cáo tài chính để đạt được những mục tiêu nhất định. Các mục tiêu này có thể là để đạt được mức lợi nhuận theo kế hoạch, để bảo đảm một số hệ số tài chính như mong muốn… Bản thân việc phù phép báo cáo tài chính không phải là hành vi tiêu cực. Nó chỉ mang ý nghĩa tiêu cực khi động cơ của việc phù phép là nhằm tạo ra thông tin sai lệch để đánh lừa các nhà đầu tư mà thôi. Trên thực tế có nhiều trường hợp việc can thiệp vào số liệu kế toán không những không có hại mà còn có lợi cho người sử dụng thông tin tài chính. Ví dụ đơn giản sau đây có thể minh hoạ cho luận điểm này.

Giả định Công ty A có khả năng sinh lời bình quân dự kiến là 1.000 tỷ/năm. Để đơn giản ta giả định 138018.jpgCông ty A có chính sách phân phối toàn bộ lợi nhuận hàng năm dưới dạng cổ tức, và công ty có khả năng sinh lợi trong thời gian vô hạn. Tỷ lệ chiết khấu hợp lý là 10%. Như vậy giá trị hiện tại của Công ty A, tính theo mô hình chiết khấu cổ tức (DDM) là 1.000/0.1 = 10.000 tỷ đồng. Giả sử trong năm 2007 Công ty A đầu tư vào một dự án quan trọng mà nếu thành công thì dự kiến lợi nhuận hằng năm sẽ tăng thêm 100 tỷ/năm vô thời hạn. Tuy nhiên, vì tập trung nhiều nguồn lực vào dự án này nên kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2007 chỉ đạt 900 tỷ đồng, thấp hơn 100 tỷ so với năm 2006 (và cũng là mức lợi nhuận dự kiến cho năm 2007). Các nhà quản lý Công ty A hiểu rõ việc sút giảm lợi nhuận này chỉ là tạm thời và Công ty sẽ đạt mức lợi nhuận 1.100 tỷ/năm từ năm 2008 (1.000 tỷ thông thường + 100 tỷ từ dự án mới). Tuy nhiên, các nhà đầu tư bên ngoài thì không được biết thông tin này. Các nhà đầu tư chỉ có thông tin từ Báo cáo tài chính năm 2007. Trong trường hợp này Công ty A đứng trước hai lựa chọn quan trọng: (1) Không can thiệp gì cả, cứ báo cáo lợi nhuận thực tế năm 2007 là 900 tỷ đồng; (2) Sử dụng một số biện pháp can thiệp để mức lợi nhuận báo cáo năm 2007 là 1.100 tỷ đồng. Bảng dưới đây tổng hợp ảnh hưởng của từng lựa chọn:



(Lưu ý: trong ví dụ này giả định nhà đầu tư dựa vào lợi nhuận báo cáo cho năm 2007 và dự báo lợi nhuận các năm sau bằng đúng lợi nhuận năm 2007. Trên thực tế mức lợi nhuận dự báo của nhà đầu tư có thế không bằng đúng lợi nhuận năm 2007, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng tới logic phân tích ở đây, do mục đích của ví dụ này là để minh hoạ việc Doanh nghiệp A bị đánh giá không đúng giá trị thực, không quan trọng việc sai lệch là bao nhiêu).

Như vậy có thể thấy nếu Công ty A chọn phương án báo cáo đúng số lãi thực tế năm 2007 là 900 tỷ đồng, Công ty sẽ bị đánh giá thấp hơn giá trị thực 2.000 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí vốn tăng lên, có thể khiến Công ty gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án quan trọng sắp tới. Ngược lại, nếu công ty chọn phương án phù phép báo cáo tài chính để mức lợi nhuận là 1.100 tỷ đồng thì giá trị Công ty sẽ được đánh giá đúng, các nhà đầu tư sẽ đưa ra được những quyết định tối ưu, xã hội sẽ hưởng lợi do nguồn lực được phân bổ hợp lý.

Một số kỹ thuật mà các công ty thường sử dụng để “thổi” lợi nhuận bao gồm giảm tỷ lệ khấu hao, giảm mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm tỷ lệ dự phòng phải thu khó đòi, tăng cường khuyến mại để “thổi” doanh thu, đẩy mạnh sản xuất cao hơn mức công suất bình thường để giảm giá thành sản phẩm, trì hoãn việc thực hiện một số dự án, trì hoãn việc ghi giảm giá trị những tài sản mà giá trị thấp hơn giá trị thuần, bán các khoản đầu tư chứng khoán nhằm tăng lợi nhuận (ở đây chỉ đề cập tới các kỹ thuật hợp pháp).

Thực ra trong một số trường hợp Công ty A không nhất thiết phải lựa chọn giải pháp phù phép báo cáo tài chính. Ví dụ, Công ty có thể vẫn báo cáo mức lợi nhuận năm 2007 là 900 tỷ đồng, đồng thời thuyết minh rõ trong báo cáo tài chính về dự án mới và lợi nhuận dự kiến các năm sau là 1.100 tỷ. Bằng cách đó Công ty có thể cung cấp đủ thông tin để các nhà đầu tư định giá đúng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp giải pháp này không khả thi. Ví dụ, việc thuyết minh chi tiết về dự án mới có thể sẽ tiết lộ quá nhiều thông tin cho các đối thủ cạnh tranh, không có lợi cho Công ty A. Nhưng nếu không công bố chi tiết mà chỉ thuyết minh chung chung về một dự án rất có lợi trong tương lai thì sẽ chẳng mấy nhà đầu tư tin tưởng, nhất là trong điều kiện lợi nhuận năm 2007 thấp hơn mức dự tính. Trong các trường hợp như vậy việc phù phép báo cáo tài chính có thể là lựa chọn tối ưu.

Như vậy, có thể thấy phù phép báo cáo tài chính nếu được sử dụng hợp lý với động cơ tích cực thì sẽ mang lại nhiều lợi ích . Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Nếu như một doanh nghiệp có thể phù phép báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư, thì cũng không loại trừ khả năng có những doanh nghiệp khác tìm cách phù phép báo cáo tài chính nhằm bóp méo thông tin, lừa gạt các nhà đầu tư. Vậy tóm lại các nhà đầu tư có nên tin tưởng thông tin từ các báo cáo tài chính không? Câu trả lời là rất nên. Mặc dù động cơ bóp méo thông tin là có thật, trên thực tế có rất nhiều cơ chế kiểm soát có thể giúp ngăn ngừa việc phù phép báo cáo tài chính vì những động cơ không lành mạnh.

Các nhân tố giúp ngăn ngừa hành vi phù phép báo cáo tài chính tiêu cực

Lợi ích dài hạn của Giám đốc doanh nghiệp

Trong các công ty cổ phần, thông thường các vị trí lãnh đạo quan trọng như Giám đốc được yêu cầu nằm giữ một số cổ phiếu hạn chế (restricted stocks). Ngoài ra, trong một số công ty Giám đốc có thể có quyền mua cổ phần (stock options), thường đi kèm với yêu cầu phải phục vụ công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích của việc cung cấp các cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu này là nhằm gắn lợi ích của người nắm vận mệnh công ty với lợi ích của cổ đông. Do giá trị tài sản của Giám đốc (dưới hình thức cổ phiếu hạn chế và quyền mua cổ phiếu) phụ thuộc vào kết quả hoạt động trong dài hạn của công ty, ông ta sẽ ít có động cơ phù phép báo cáo tài chính để lừa gạt các nhà đầu tư. Về lý thuyết thì là vậy. Tuy nhiên, trên thực tế việc options và restricted stocks có thực sự mang lại hiệu quả mong muốn hay không thì cũng còn nhiều tranh cãi. Burns and Kedia (2006) so sánh 266 công ty phải phát hành lại báo cáo tài chính (do báo cáo tài chính trước đó bị sai lệch) với 8.000 công ty khác tại Mỹ trong giai đoạn 1995-2001 và phát hiện rằng các công ty có hành vi phù phép báo cáo tài chính lại chính là các công ty mà CEO thường nhận được nhiều stock options hơn.

Ngoài lợi ích trực tiếp liên quan tới cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu, các giám đốc cũng quan tâm tới giá trị thị trường của mình (human capital value). Việc thực hiện các hành vi phù phép báo cáo tài chính nhằm mục đích gian lận nếu bị phát hiện sẽ huỷ hoại uy tín của người giám đốc, theo đó giá trị thị trường của ông ta cũng sẽ giảm sút nặng nề. Ở mức độ ít nghiêm trọng, sẽ không có nhiều công ty muốn thuê một giám đốc có tiền lệ lừa gạt các nhà đầu tư. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, hành vi gian lận báo cáo tài chính có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Vai trò của Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS)

Một trong những chức năng quan trọng của HĐQT là thay mặt cổ đông giám sát hoạt động của Công ty. HĐQT một mặt có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn cho Giám đốc công ty trong các quyết định quan trọng, mặt khác có trách nhiệm phát hiện và ngăn ngừa những hành vi đi ngược lại lợi ích của cổ đông. Vì vậy, HĐQT chính là một cơ chế kiểm soát quan trọng ngăn ngừa việc bóp méo thông tin tài chính nhằm lừa gạt các nhà đầu tư. Peasnell, Pope, Young (2005) nghiên cứu các công ty ở Anh trong khoảng thời gian 1993-1996 và thấy rằng trong các công ty mà tính độc lập của HĐQT càng cao thì tình trạng phù phép báo cáo tài chính càng ít.

Hỗ trợ cho hoạt động của HĐQT có BKS. Thông thường BKS bao gồm một hoặc một số thành viên có am hiểu về Kế toán-Tài chính. Những thành viên này đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn ngừa các hành vi phù phép báo cáo tài chính đi ngược lại lợi ích của cổ đông. Nghiên cứu của Xie, Davidson, DaDalt (2003) cho thấy mức độ am hiểu về Tài chính của các thành viên BKS tỷ lệ nghịch với tình trạng phù phép báo cáo tài chính.

Vai trò của Kiểm toán độc lập

Một nhân tố không thể thiếu để bảo đảm tính minh bạch của thông tin tài chính là kiểm toán độc lập. Thông thường các kiểm toán viên chuyên nghiệp có kiến thức sâu hơn về Tài chính-Kế toán so với các thành viên BKS và HĐQT, cho phép họ có thể phát hiện ra những thủ thuật tinh vi nhằm bóp méo thông tin tài chính. Kiểm toán viên cũng có tính độc lập cao hơn so với các thành viên HĐQT và BKS (dù sao HĐQT và BKS cũng vẫn mang tính chất “người nhà” hơn). Tất nhiên, những lợi ích do kiểm toán độc lập mang lại cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực, uy tín của kiểm toán viên. Bất chấp những scandal liên quan tới Arthur Andersen gần đây, giới chuyên môn cũng như các nhà nghiên cứu vẫn không thay đổi quan điểm cho rằng các hãng kiểm toán Big4 có chất lượng cao hơn các hãng kiểm toán khác. Với các hãng kiểm toán không phải Big4, một trong những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán chính là quy mô của hãng kiểm toán. Quy mô hãng kiểm toán càng lớn thì chất lượng càng cao (xem DeFond and Francis [2005]).


Theo saga.vn
Báo cáo phân tích thị trường