Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Fujio Mitarai: Người đem phong cách quản lý phương Tây vào Nhật Bản
29 | 10 | 2007
Là cháu của một trong những người sáng lập ra Canon, nhưng Fujio Mitarai đã tự tìm đường thăng tiến trong các thương vụ của hãng tại nước Mỹ.

Xông xáo và quyết đoán, ông có quan điểm về đường lối kinh doanh khác biệt với hình mẫu truyền thống của một nhà quản lý Nhật Bản.

Năm 1989, ông tỏ ra khá miễn cưỡng khi được gọi trở về Nhật Bản làm việc. Năm 1995, khi vừa được bầu làm Chủ tịch Canon, Mitarai đã gây ra lột cú sốc cho Hội đồng quản trị khi ngay lập tức quyết định loại bỏ những lĩnh vực kinh doanh đang thua lỗ, bao gồm cả bộ phận chủ chốt chuyên sản xuất máy tính cá nhân.

Những biện pháp mạnh tay này đã tỏ ra thích hợp với Canon. Trong khi phần lớn các tập đoàn lớn của Nhật Bản phải tập trung lo đối phó với suy thoái kinh tế thì Canon ung dung tận hưởng thành công. Năm 2001, thu nhập ròng của hãng tăng 23%, đạt 26 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2000.

Ngày nay, nói đến máy ảnh người ta không thể không nhắc đến Canon. Để có được sự yêu mến của người tiêu dùng trên toàn thế giới, Canon đã đi qua một chặng đường dài hơn 60 năm từ một xưởng sản xuất máy ảnh nhỏ trở thành một siêu tổ hợp. Đến nay, hãng vẫn tiếp tục theo đuổi mục đích đã đặt ra từ hơn 60 năm trước: áp dụng công nghệ mới nhất để làm lợi cho người tiêu dùng.

70 năm hình thành và phát triển

Năm 1933, hai kĩ sư trẻ người Nhật là Saburo Uchida và Goro Yoshida lập ra một phòng thí nghiệm nhỏ tại căn hộ tầng 3 thuộc khu chung cư cao tầng Takekawáya, quận Azabu, Tokyo. Mục đích của hai người là tạo ra những chiếc máy ảnh có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của người Đức -được coi là phổ biến nhất thời bấy giờ. Công việc thật khó khăn bởi họ không biết nhiều về máy ảnh và phải dò dẫm từng bước một. Khi đó, tài trợ cho phòng thí nghiệm của 2 ông 'khùng” này chính là Takeshi Mitarai - người sau này trở thành chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Canon.

Năm 1934, Yoshida chế tạo thành công chiếc máy ảnh chụp phim 35 ly của nước Nhật. Anh đặt tên cho nó là 'Kwanon”. Tháng 6/1934, quảng cáo về Kwanon đã xuất hiện trên tạp chí máy ảnh nổi tiếng Asashi. Tuy nhiên, đồng sáng lập Saburo Uchida thấy rằng cái tên Kwanon có vẻ không ổn. Sản phẩm mới cần có một cái tên nghe thật hiện đại lại có thể phản ánh dòng máy ảnh cao cấp. Sau nhiều cân nhắc, 2 người đã chọn cái tên có phát âm gần giống với từ Kwanon - đó chính là thương hiệu nổi tiếng trong thế giới máy ảnh ngày nay: Canon.

Những năm sau đó, phòng thí nghiệm cứ từng bước phát triển khá thuận lợi. Nhiều sản phẩm mới liên tiếp ra đời, số nhân viên cũng dần tăng lên. Năm 1937, nó chính thức trở thành Công ty Cổ phần Precision Optical Industry (POI) với số vốn 1 triệu Yên. Tuy vậy, phải 5 năm sau, Takeshi Mitarai - người có công đầu trong việc lập ra Công ty Cổ phần POI, mới trở thành giám đốc công ty.

Năm 1947, Mitarai nhận thấy cái tên POI quá dài và rất khó nhớ đối vơi khách hàng, công ty chính thức đổi tên thành Canon Camera Inc. Hai năm sau, Công ty Canon bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tokyo. Năm 1955, hãng mở đại lý bán hàng đầu tiên trên đất Mỹ tại đại lộ số 5 khu Mahauan, New York. Đây cũng là bước đột phá đầu tiên của hãng ra thị trường nước ngoài. Năm 1966, ông cũng là người đầu tiên tại Nhật Bản áp dụng chế độ tuần làm việc 5 ngày. Năm 1967, Mitarai đưa ra khẩu hiệu 'Máy ảnh ở tay phải, máy phục vụ công việc kinh doanh trên tay trái', nhằm thực hiện ý đồ đa dạng hóa sản phẩm của Canon, giảm dần sự phụ thuộc vào sản phẩm máy ảnh.

Năm 1969, hãng một lần nữa đổi tên thành Canon Inc. Kể từ cột mốc này, doanh thu của hãng tăng lên rất ổn định. Chỉ trong năm 1976, doanh thu của công ty trên đất Mỹ đạt 137 triệu USD. Năm 1976, Canon xây dựng nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Đài Loan.

Takeshi Mitarai giữ chức chủ tịch tập đoàn trong suốt 32 năm từ 1942 đến 1974. Cùng với những ý tưởng của mình, ông đã biến một công ty non trẻ thành một tập đoàn tư bản toàn cầu. Nhưng năm 1975, lần đầu tiên trong lịch sử, Canon rơi vào cảnh thua lỗ khi sản phẩm máy tính bỏ túi Panther bị người tiêu dùng bỏ rơi.

Thời đại của Fujio Mitarai

Năm 1995, Fujio Mitarai trở thành Chủ tịch Tập đoàn Canon sau cái chết đột ngột của Chủ tịch Hajime Mitarai. Ông lên nắm quyền trong lúc môi trường kinh doanh đang buổi tồi tệ nhất tại Nhật Bản nửa cuối thế kỷ 20. Tình hình tài chính bất ổn, suy thoái kinh tế kéo dài, sự thay đổi bất thường giá trị đồng Yên cùng hàng loạt những khó khăn khác sau sự đổ vỡ của nền kinh tế 'bong bóng' tại Nhật Bản.

Trước những thử thách đó, sáng kiến đầu tiên của Fujio Mitarai là tiếp tục thúc đẩy kế hoạch toàn cầu hóa. Ông cho khởi động kế hoạch hoạt động 5 năm từ 1995 - 2000 với mục tiêu khuyến khích tất cả các chi nhánh của Canon trên toàn cầu phấn đấu trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong 5 năm cuối thế kỷ 20. Đồng thời, tập trung vào củng cố công tác quản lý, đặt các công ty thành viên vào những mục tiêu thật cụ thể và tiến hành đánh giá hoạt động của họ trên một nền tảng duy nhất; đề ra những giải pháp mới mẻ về công nghệ để tập trung vào những sản phẩm ngoài máy ảnh như các loạt máy văn phòng, máy phục vụ kinh doanh, tối đa hoá hoạt động mang tính toàn cầu từ châu Mỹ, Trung Đông đến châu Âu bằng cách lập ra 3 trung tâm quản lý vùng riêng biệt...

Nhờ sự nhất quán này, hệ thống quản lý của Canon trở nên hiệu quả hơn, nhiều nhà máy lưới lại được xây dựng, hệ thống đại lý bán lẻ được mở rộng. Sau đó một thời gian, cán cân thanh toán của hãng đã cân bằng trở lại, sức mạnh tài chính và kỉ luật làm việc của hãng cũng tốt hơn. Năm 1997, chiếc máy ảnh thứ 100 triệu ra đời đúng dịp kỉ niệm 60 năm thành lập công ty. 3 năm sau, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, mở ra một chương mới trong lịch sử hình thành và phát triển của tập đoàn.

Năm 2002, doanh thu ròng của Canon đạt 240 tỷ Yên (hơn 2 tỷ USD), trong đó 75% đến từ các khu vực ngoài Nhật Bản. Tập đoàn được chia thành 195 tổ hợp nhỏ với tổng cộng hơn 21.000 nhân viên, đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu phát triển trên nền Internet, nhằm đưa các sản phẩm mang thương hiệu Canon có mặt tại mọi khu vực trên thế giới.

Nhiều năm liền, Fujio Mitarai được tờ Business Week bình chọn vào danh sách 25 nhà quản lý hàng đầu thế giới. Điều này không chỉ là kết quả của việc Canon ngày một 'ăn nên làm ra', trở thành một trong những tập đoàn có doanh thu lớn nhất Nhật Bản mà còn nhờ tài quản lý thực sự của Fujio Mitarai; ông luôn được giới doanh nhân Nhật Bản nể phục bởi biết kết hợp các nguyên tắc quản lý kiểu phương Tây từ hơn 20 năm kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và điều hành Canon lại Mỹ và ứng dụng sáng tạo vào môi trường kinh doanh Á Đông.



Nguồn: giaothuong.net
Báo cáo phân tích thị trường