Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê: Doanh nghiệp ’nhịn’ chuẩn
06 | 11 | 2007
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ 2 trên thế giới sau Brazil, và cà phê là một trong 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị lớn hơn 1 tỉ USD của Việt Nam.

Tuy nhiên, chất lượng cà phê xuất khẩu chưa đồng đều, đặc biệt số lượng cà phê xuất khẩu bị thải loại chiếm tỉ lệ cao nhất thế giới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong 6 tháng tính đến tháng 3/2007, cà phê xuất khẩu có nguồn gốc Việt Nam chiếm 88% trong tổng số cà phê xuất khẩu bị thải loại của thế giới.

Thế nhưng ngay từ năm 2005 Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu TCVN 4193:2005, áp dụng phân loại theo cách tính lỗi để phù hợp với cách phân loại của Hội đồng Cà phê Thế giới. Tuy nhiên, do đây là tiêu chuẩn có tính chất tự nguyện, nên tất yếu dẫn đến tình trạng nói trên.

Vì thế, ngày 24/5/2007, Bộ Thương mại đã yêu cầu bắt buộc kiểm tra chất lượng mặt hàng cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn chất lượng, trước khi thông quan, cho áp dụng từ ngày 1/10/2007, và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định áp dụng và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193:2005.

Cà phê robusta của Việt Nam thường được bán với giá thấp hơn so với nhiều nước, năm 2006 giá cà phê robusta FOB của Việt Nam là 1.188 USD, trong khi giá thị trường London là 1.317.7 USD, và giá chỉ thị ICO là 1.489,2 USD; gần nhất vào tháng 9/2007, sự chênh lệch giá tương ứng vẫn là 1.582 USD - 1.835,8 USD - 2045,9 USD.

Chất lượng cà phê là tổng hợp của các yếu tố: chủng loại thực vật, điều kiện địa hình, khí hậu - thời tiết, cách chăm sóc, thu hái, bảo quản, chuẩn bị xuất khẩu và vận chuyển. Trong đó, các khâu canh tác, thu hái, bảo quản, chuẩn bị xuất khẩu và vận chuyển là con người có thể tác động, can thiệp, thay đổi.

Cà phê robusta ở Việt Nam phần lớn được trồng trên đất đỏ bazan có độ phì nhiêu cao, nhất là có tính vật lý lý tưởng, tại các tỉnh Tây Nguyên có độ cao 450 - 600 m. Bởi vậy, cà phê robusta Việt Nam vừa có chất lượng cao, vừa rất phù hợp cho chế biến cà phê pha trộn và cà phê hoà tan.

Nhưng do thói quen lâu nay, nông dân Việt Nam đã để lẫn cà phê quả xanh với quả chín, cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc phơi khô cà phê. Mặt khác, do 2 bên người mua và người bán cà phê ở Việt Nam đều thoả thuận áp dụng tiêu chuẩn cũ TCVN 4193:93, chỉ chú ý tỉ lệ phần trăm hạt đen, vỡ, do đó người ta không thể tính số lỗi như hạt mốc, hạt chưa chín và mẩu cây vụn, sạn nhỏ...

Trong khi đó, từ năm 2004, Hội đồng Cà phê Quốc tế đã qui định: cà phê arabica không được quá 86 lỗi trong 1 mẫu 300g; cà phê robusta không được quá 150 lỗi trên 1 mẫu 300g. Hai loại cà phê này phải có hàm lượng ẩm không quá 12,5% và không dưới 8%, đo theo phương pháp ISO 6673. Như vậy, chúng ta buộc phải phân loại cà phê theo số lỗi, chứ không chỉ tính phần trăm đen vỡ; tức là phải áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 4193:2005.

Năm 2006, tại Hội nghị ở Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh có cà phê đã thống nhất chỉ đạo nông dân hái cà phê chín, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, trong thực tế lại có nhà thu mua cà phê chín hay chưa chín đều cùng một giá. Vả lại, nếu chỉ tính hạt đen vỡ mắc lỗi, thì hạt chưa chín lại không bị tính lỗi. Do đó, cà phê xuất khẩu phải được phân loại theo phương pháp tính số lỗi, có như thế VN mới có cơ sở ghi chứng chỉ xuất xứ đầy đủ (hiện nay, Việt Nam vẫn nằm ngoài danh sách 28 nước xuất khẩu cà phê đã báo cáo chất lượng cho Tổ chức Cà phê Quốc tế).

Tổ chức cà phê quốc tế nhận định: nếu bộ tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 được áp dụng, thì biện pháp mới này sẽ tính số lỗi với các loại hạt vỡ, hạt đen, cà phê loại tạp chất ngoài hạt đen vỡ, cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm bớt lo lắng.

Ông Bùi Đình Trụ, Trưởng ban Khoa học công nghệ của Tổng công ty Cà phê Việt Nam, tán đồng việc áp dụng TCVN 4193:2005, nhưng cho rằng tiêu chuẩn vẫn mang tính tự nguyện, nên cần cần có Quy chuẩn kỹ thuật về cà phê xuất khẩu Việt Nam có tính pháp lý bắt buộc.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Hoà, thấy áp dụng TCVN 4193: 2005 là phù hợp, và nêu đề nghị doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải thông qua chế biến ở nhà máy, nhằm tránh tình trạng không đầu tư thiết bị chế biến, mà chỉ thu mua xô bồ rồi xuất.

Dù đồng tình hay chưa đồng thuận, thì các doanh nghiệp vẫn phải chấp hành yêu cầu của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ngày 24/5/2007.

Cũng cần nhớ rằng, cách đây hơn một năm, tại hội nghị Đà Lạt, những bức xúc trên đây đã từng được đề cập. Nếu ngay sau đó, các doanh nghiệp cà phê quyết tâm chuyển sản xuất kinh doanh theo hướng lâu dài và bền vững, thì bây giờ chắc đã tháo gỡ được những vướng mắc trên đây.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường