Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thiếu vốn để dự trữ hàng Tết
06 | 11 | 2007
Bàn về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tý, ngày 2-11, lãnh đạo Sở Thương mại Hà Nội đã triệu tập toàn bộ các doanh nghiệp đầu mối chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu để lấy ý kiến về tình hình thị trường trong dịp Tết sắp tới.

Với dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng tết Mậu Tý sẽ tăng 20% so với năm 2006 và tăng 30% so với tháng trước Tết, điều mà các nhà quản lý lo ngại là hiện tượng tăng giá đột biến với hàng hóa thiết yếu. Các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này cho rằng có thể kìm giữ giá với điều kiện phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể là cấp vốn vay để doanh nghiệp kịp thời dự trữ hàng vào thời điểm này.

Nguồn hàng không thiếu nhưng giá vẫn tăng

Sở Thương mại Hà Nội đã đưa ra dự báo lượng hàng hóa cần thiết để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết, trên cơ sở đó các doanh nghiệp lên phương án chuẩn bị nguồn hàng. Theo đó, nhu cầu lương thực sẽ tăng lên khoảng 50.000 tấn/tháng, trong đó Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã có kế hoạch chuẩn bị 177.000 tấn gạo, bột mỳ các loại, trong đó gạo tẻ thường 100.000 tấn, gạo đặc sản 5.000 tấn, gạo nếp 2.000 tấn, bột mỳ 70.000 tấn.

Tuy nhiên, theo Tổng Công ty này, ngay thời điểm hiện nay, giá gạo vẫn đang có xu hướng tăng với mức từ 100-300 đồng/kg gạo tẻ. Về nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, theo dự kiến của Sở Thương mại Hà Nội, thị trường sẽ cần 9.000 - 10.000 tấn, khoảng 1.800 – 2.000 tấn thịt trâu bò, 3.000 tấn thịt gia cầm.

Để đáp ứng nhu cầu này, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm như Công ty cổ phần Phúc Thịnh, Xí nghiệp KD gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm dự trữ đưa ra thị trường 360 tấn thịt lợn sạch, 260 tấn thịt gia cầm an toàn, 1.000.000 quả trứng gà sạch trong tháng Tết. Các doanh nghiệp khác và các hộ kinh doanh tại các chợ, các cửa hàng đường phố dự kiến đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 1.500 tấn thịt trâu bò, 7.000-8.000 tấn thịt lợn, hơn 2.000 tấn thịt gia cầm, 4.000 tấn thủy hải sản, 40.000 tấn rau, củ quả.

Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị: Metro, Big C, Intimex, Fivimar dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng 400 tỷ đồng, tăng trên 20% so với dự trữ cùng kỳ năm 2007 và quý I-2007.

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, mặc dù đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa cần thiết nhưng cũng không thể loại trừ khả năng vào thời điểm trước Tết, giá cả thị trường biến động thì các mặt hàng này dù không thiếu về lượng cũng vẫn cứ leo thang về giá.

Vấn đề là các doanh nghiệp phân phối có ký hợp đồng được nguồn hàng này sớm hay không hay lại chỉ đến tháng sát Tết mới thi nhau gom hàng thì không thể tránh được tình trạng giá cả các mặt hàng đã cao sẽ còn cao hơn nữa.

Sẽ cho doanh nghiệp vay vốn

Thực tế, các doanh nghiệp đều ý thức được việc nếu chủ động gom hàng sớm, dự trữ trước thời điểm tăng giá mạnh mà theo dự kiến của Sở Thương mại là vào khoảng tháng 1 đến tháng 2-2008 thì vẫn có thể giữ được mức giá ổn định.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Bánh kẹo Hà Nội thì nguồn vốn công ty có hạn, chỉ đủ khả năng dự trữ một phần nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa Tết, trong khi đó các nguyên liệu làm bánh kẹo như bột mỳ, lạc nhân đều đang tăng giá liên tục ngay sau Tết Trung thu.

Nếu thành phố hỗ trợ vốn vay thì công ty mới có thể thu mua nguyên liệu sớm để hạ thấp giá thành qua đó mới có thể giữ giá sản phẩm của mình. Đây cũng là đề nghị của Công ty Thực phẩm Hà Nội để có thể đảm bảo dự trữ lượng lương thực thực phẩm gia tăng mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán.

Nếu theo tính toán của Sở Thương mại Hà Nội với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết sẽ tăng trên 20% so với Tết Đinh Hợi năm 2007, thì số tiền tương đương với lượng hàng sẽ vào khoảng 6.500 tỷ đồng. Rõ ràng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp khó có thể bỏ một khoản tiền lớn như vậy cho việc dự trữ hàng với cam kết không tăng giá.

Thực chất, đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Mấy năm gần đây các doanh nghiệp ở Hà Nội đều đề xuất thành phố lập quỹ cho vay để dự trữ hàng hóa thiết yếu nhưng đều không thực hiện được.

“Năm nay, chúng tôi đã chủ động sớm đề xuất với thành phố cũng như chủ động làm việc với các ban ngành liên quan để lên kế hoạch trình thành phố về vấn đề này với quyết tâm là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện dự trữ hàng sớm, đảm bảo giá thành ổn định. Thông qua đó mới có thể cầu bình ổn giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết” - bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ chỉ được hưởng sự hỗ trợ này với điều kiện phải có kế hoạch cụ thể và hợp đồng đã ký đối với việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết”.



Theo ANTĐ
Báo cáo phân tích thị trường