Các DN dân doanh có tốc độ phát triển nhanh, huy động nhiều nguồn lực xã hội tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, các DN dân doanh vẫn cần được hỗ trợ, tạo môi trường để phát triển tốt hơn.
Phát triển nhanh
Năm 2000, số DN dân doanh đăng ký thành lập mới là 14.441 DN, với tổng vốn hơn 13,8 nghìn tỷ đồng, năm 2005 là 39.951 DN, tăng hơn 176,64%, tổng vốn hơn 107 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 675,36%, bình quân từ năm 2001 đến 2006, số DN tăng 22%/năm, số vốn tăng 49,2%/năm. Dự tính năm 2007, số DN đăng ký thành lập 51.000 DN, tổng vốn 183 nghìn tỷ đồng (11,4 tỷ USD). Một số DN dân doanh hoạt động phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, với quy mô ngày càng lớn như: Hòa Phát, gạch Ðồng Tâm, Cà-phê Trung Nguyên, Hoàng Anh Gia Lai, các ngân hàng cổ phần Á Châu, Sài Gòn Thương Tín, cổ phần Kỹ Thương... Các DN dân doanh thu hút, sử dụng ba triệu lao động, đóng góp hơn 40% GDP, chiếm tỷ trọng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 18%/năm, đóng góp 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Ðó là những con số rất khích lệ.
Những năm qua, Ðảng và Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để DN dân doanh phát triển, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều luật và văn bản dưới luật được xây dựng, ban hành, trong đó có những văn bản pháp quy hỗ trợ phát triển DN dân doanh. Ðể DN dân doanh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Nhà nước ban hành quy chế, quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các hoạt động nghiệp vụ bảo lãnh, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá, bao thanh toán, cho thuê tài chính, hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng... Chính phủ có Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DN dân doanh hai năm (2005, 2006), cả nước tổ chức được 970 khóa đào tạo về khởi sự DN, quản trị kinh doanh, với 53.660 người tham gia. Ngoài ra, DN dân doanh còn được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, DN dân doanh với hơn 96% số doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế:
Trước hết là DN dân doanh thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ðiều tra 32.225 DN dân doanh ở 30 tỉnh, thành phố phía bắc, có tới 67% số DN dân doanh khó khăn về tài chính do không có tài sản để thế chấp vay vốn. Nhiều DN, tài chính chưa minh bạch, trình độ hạch toán, quản lý thấp, chưa có khả năng xây dựng phương án kinh doanh có sức thuyết phục khi vay vốn, chưa có uy tín trong quan hệ tín dụng, chủ DN thiếu năng lực huy động vốn thông qua hình thức cổ phần, liên doanh, liên kết... Cũng theo số liệu điều tra, 42% số DN dân doanh khó khăn về đất đai, mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN dân doanh phải thuê mặt bằng, địa điểm của tổ chức, cá nhân, thiếu điều kiện bảo đảm pháp lý, nên không thể đầu tư dài hạn để phát triển. Một số địa phương đã quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhưng giá thuê đất còn cao, nhiều DN dân doanh chưa tiếp cận được.
Thị trường trong nước là tiềm năng lớn cho các DN dân doanh, nhưng do năng lực sản xuất và tiếp thị yếu, nên sản phẩm của DN dân doanh bị hàng nhập khẩu cạnh tranh quyết liệt. Ðiều này cho thấy thị trường xuất khẩu trở nên khó khăn đối với DN khi tìm hướng đưa sản phẩm ra ngoài nước. Trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh của các DN dân doanh có nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ít có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Về trình độ kỹ thuật, chỉ có 8% số DN dân doanh có công nghệ, thiết bị tiên tiến, 50% số DN trung bình, 42% số DN lạc hậu, mức độ đầu tư đổi mới công nghệ thấp, sức cạnh tranh yếu, ảnh hưởng việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh còn sơ khai, hạn hẹp, các dịch vụ đào tạo về quản trị, tư vấn tài chính, kế toán, thuế, nhất là tư vấn quản lý DN chưa phát triển. Ðể gia nhập thị trường, chi phí cho một số lĩnh vực khá cao như: dạy nghề, kiểm toán, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ngoài ra, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, đồng bộ.
Hỗ trợ thiết thực hơn
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QÐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa năm năm (2006-2010). Mục tiêu, trong thời gian này thành lập mới 320 nghìn DN, bình quân tăng 22%/năm; tỉnh khó khăn nhất cũng có tốc độ tăng DN là 15% vào năm 2010; các DN tạo thêm 2,7 triệu chỗ làm việc... Ðể phát triển DN dân doanh cả về số lượng và chất lượng, thực tế cho thấy cần thực hiện một số giải pháp:
Một là, hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của DN, đơn giản hóa, minh bạch hóa các quy định liên quan đến điều kiện gia nhập thị trường, hoạt động kinh doanh. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những điều khoản của Nghị định 90/2001/NÐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa, cụ thể hóa quản lý Nhà nước đối với xúc tiến phát triển DN nhỏ và vừa như hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính, kỹ thuật công nghệ, phương thức hỗ trợ. Sửa đổi, bổ sung các luật thuế để cải tiến toàn diện hệ thống thuế theo hướng đơn giản và điều chỉnh mức thuế phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế tự kê khai, tính thuế, tự nộp thuế, quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế, đối tượng nộp thuế và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai để làm mặt bằng sản xuất. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Ðất đai, các văn bản dưới luật, phát huy tính tự chủ của UBND các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng. Rà soát lại quỹ đất, lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất đến cấp xã, phường, thực hiện công khai, minh bạch, giúp DN có nhu cầu chính đáng có đất, địa điểm phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hình thành Trung tâm phát triển quỹ đất tại các địa phương với chức năng thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý quỹ đất đáp ứng yêu cầu việc đầu tư phát triển. Tạo điều kiện mở rộng, phát triển thị trường bất động sản, đẩy mạnh thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất có thu tiền, tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật các địa phương, kiên quyết thực hiện thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Ðối với DN gây ô nhiễm môi trường cần hỗ trợ để di dời ra khỏi đô thị và có giải pháp khắc phục.
Ba là, xây dựng môi trường tài chính linh hoạt, năng động để DN dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, loại hình tín dụng. Ðẩy mạnh việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại Nhà nước để cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn, chú trọng phục vụ các DN dân doanh, đơn giản hóa thủ tục, nới lỏng các điều kiện cho vay. Triển khai nhanh lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN tại các địa phương, thành lập thí điểm một số quỹ đầu tư mạo hiểm cấp vốn cho DN. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của thị trường cho thuê tài chính, phát triển thị trường chứng khoán...
Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, quản trị DN cho đội ngũ doanh nhân. Có chính sách khuyến khích các DN dân doanh đầu tư ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, sản xuất sản phẩm mới có sức cạnh tranh, có khả năng xuất khẩu. Phát triển hình thức thầu phụ công nghiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường sự liên kết, hợp tác, phân công giữa DN nhỏ và vừa với các DN, tập đoàn lớn. Chú trọng công tác tuyên truyền, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của xã hội đối với DN dân doanh.
Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Vũ Tiến Lộc:
Ðề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan báo chí có thể tham gia vào quá trình rà soát các quy định liên quan đến môi trường kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước rà soát, bãi bỏ các giấy phép và điều kiện kinh doanh không hợp lý, công khai, cởi mở các thông tin chuyên ngành như: thương mại, hải quan, nông nghiệp và phát triển nông thôn... minh bạch hóa thủ tục hành chính. Xây dựng, thực hiện chiến lược quốc gia về giáo dục và đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững của nền kinh tế. Tăng cường năng lực của hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên, thiết thực giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.
Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Cao Sỹ Kiêm:
Việc các doanh nghiệp dân doanh trong đó có 96% số DN nhỏ và vừa (DNNVV) thiếu liên kết, hợp tác, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh với nhau, là một điểm yếu của cộng đồng các DNNVV trong cạnh tranh quốc tế, nhất là trong sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Các DNNVV phát triển nhanh về số lượng và quy mô, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp hình thành từ kết quả của hoạt động "đánh quả", chụp giựt, trình độ quản trị kém, văn hóa thấp, không tính làm ăn lâu dài, dễ vi phạm pháp luật.
Ðề nghị Chính phủ có biện pháp cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thành các chương trình, dự án để thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để Hiệp hội DNNVV tham gia tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, trực tiếp tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án liên quan đến phát triển doanh nghiệp dân doanh.
UBND thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp:
Thành phố Hồ Chí Minh triển khai "Chương trình hỗ trợ đào tạo phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn", với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, mở các lớp dành cho nhân viên, cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và thế giới, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường của một số quốc gia, khu vực có tiềm năng xuất khẩu lớn phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp dân doanh. Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính, công khai thủ tục, tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành để tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp dân doanh.