Xuất khẩu và đầu tư đạt mức kỷ lục
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Đức Hòa cho biết, tình hình kinh tế xã hội 10 tháng năm 2007 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực: sản xuất công nghiệp đạt gần 468 ngàn tỷ đồng, tăng 17%; lĩnh vực dịch vụ diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ đạt 583,8 ngàn tỷ đồng, tăng 22,7 %; kim ngạch xuất khẩu đạt khá, 10 tháng đạt trên 39 tỷ USD, tăng 18,6%; có 9 nhóm hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USDs, trong đó có 4 nhóm hàng đạt trên 3 tỷ USD và 5 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng, nước ta đã thu hút được trên 11 tỷ USD, vượt cả năm 2006, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này có 1.144 dự án cấp mới với 9,75 tỷ USD, tăng 59% và 300 dự án xin tăng vốn, đạt 1,5 tỷ USD. Riêng trong tháng 10/2007, lượng vốn FDI thu hút đạt 1,65 tỷ USD với 99 dự án FDI cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,46 tỷ USD, và 26 dự án tăng vốn, trị giá 196 triệu USD.
Với sự nỗ lực của ngành y tế và chính quyền các cấp, các bệnh dịch nguy hiểm như dịch tiêu chảy cấp, thương hàn, sốt xuất huyết đã được khống chế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả bão lũ gây ra, trích hơn 1.280 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu hộ, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho nhân dân vùng thiên tai.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn một số khó khăn phải giải quyết như: Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây (8,12%), nhất là giá xăng dầu, vật tư phục vụ sản xuất và giá lương thực. Nguy cơ lũ lụt ở các tỉnh miền Trung vẫn còn tiềm ẩn trong những tháng cuối năm; dịch cúm gia cầm, dịch bệnh tai xanh ở lợn chưa được khống chế triệt để; giải ngân vốn đầu tư đạt thấp; nshập siêu tiếp tục ở mức cao.
Sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản thông báo, trong cuộc họp thường kỳ, các thành viên Chính phủ đã nhất trí với tờ trình của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, đề cao hơn vai trò của các Bộ chủ trì đề án. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và hồ sơ trình, phải đảm bảo tính khả thi của đề án. Văn phòng Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm tra của mình (bằng văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) chứ không chịu trách nhiệm và cũng không được sửa chữa vào dự thảo văn bản của Bộ trưởng khác đã ký.
Bên cạnh việc giải quyết công việc với tư cách Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ giải quyết các công việc khác khi được Thủ tướng phân công. Nếu vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ trưởng đó chủ trì giải quyết, không chuyển trách nhiệm lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng sửa đổi quy chế làm việc theo hướng hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh và từng bước hiện đại hóa.
Những việc chính tập trung xử lý trong 2 tháng cuối năm và năm 2008
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung làm quyết liệt trong 2 tháng cuối năm và năm 2008. Đó là tiếp tục cải cách hành chính; tích cực phòng, chống tham nhũng; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và đảm bảo nguồn điện năng; tiếp tục phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch tiêu chảy cấp; khẩn trương hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai phục hồi và ổn định đời sống, không để dân bị đói, rét; quyết liệt hơn nữa trong triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư; tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt kiểm soát giá cả theo nguyên tắc kinh tế thị trường, quy luật cung cầu, chứ không theo mệnh lệnh hành chính, và dứt khoát không để thiếu hàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và nhân dân. Về việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Thủ tướng đề nghị sửa đổi theo hướng tăng thẩm quyền và trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư và chủ đầu tư.
Thủ tướng cũng giao cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các cơ quan liên quan để rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
Tích cực phòng chống dịch tiêu chảy cấp
Một vấn đề rất được quan tâm tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ lần này là dịch tiêu chảy cấp xuất hiện ở Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Thái Bình và đang có dấu hiệu lây lan. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã cho biết, Bộ Y tế và các địa phương đang triển khai các biện pháp để dập dịch và phòng ngừa lây lan sang các địa phương khác.
Theo Bộ trưởng, đến nay đã có 493 bệnh nhân có dấu hiệu tiêu chảy cấp. Những bệnh nhân này đã được điều trị một cách tích cực và đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. Mặc dù các ổ bệnh rất phân tán nhưng các ổ dịch đều được dùng Cloramin để xử lý về môi trường.
Chính phủ đã có quyết định miễn viện phí cho các bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm vào điều trị, bệnh nhân sẽ không phải trả tiền viện phí khi nằm viện. Đồng thời có phương án giải quyết chế độ đối với cán bộ đi vào ổ dịch.
Bộ trưởng cho biết, trước nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khả năng lan rộng và kéo dài, Chính phủ đã chỉ đạo phải phát hiện sớm và điều trị bệnh nhân kịp thời không để tử vong, đặc biệt chú ý bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nặng; xử lý triệt để vệ sinh môi trường và các nguồn dịch bệnh; tăng cường kiểm tra xử lý phạt các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, chú ý vệ sinh thực phẩm tươi sống, hải sản, vệ sinh thức ăn đường phố.