Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu: Đừng lạ với chuyện bị kiện
07 | 11 | 2007
Từ năm 1995 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị "dính" 26 vụ kiện bán phá giá. Các chuyên gia dự báo, số vụ kiện bán phá giá sẽ ngày một tăng.
 

13 năm, 26 vụ kiện

Tại hội thảo "Giải quyết tranh chấp trong WTO và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam" tổ chức ngày 5.11 tại TP.HCM, bà Vũ Thu Hằng - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM - cho biết: "Việc gia nhập WTO của Việt Nam đang mở ra những cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, tuy nhiên, các nước nhập khẩu cũng dựng lên hàng loạt rào cản như điều tra và áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, biện pháp tự vệ... Những rào cản như vậy đã và đang gây khó khăn lớn cho nhiều ngành sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau các vụ kiện chống bán phá giá đối với thủy sản, giày dép, xe đạp, bóng đèn, tỏi, bật lửa ga... ở nhiều thị trường xuất khẩu đã phải gánh những hậu quả như chi phí vụ kiện lớn, mức thuế bổ sung cao, hàng hóa mất lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp mất đơn hàng, người lao động mất việc...".

Theo thống kê của VCCI, từ năm 1995 đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị "dính" 26 vụ kiện bán phá giá, chưa kể 4 vụ khác đang điều tra. Chừng ấy cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng mà các vụ kiện này gây ra cho doanh nghiệp Việt Nam và ngành sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: "Việc bị áp thuế chống bán phá giá tuy không đến mức làm cho doanh nghiệp bị phá sản, nhưng cũng làm xáo trộn hoạt động và giảm kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng gián tiếp đến đời sống của người lao động. Tuy nhiên việc bị kiện chống bán phá giá vẫn còn là vấn đề mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là một bất lợi cho họ khi vào WTO". Theo dự báo của VCCI, trong tương lai, số vụ kiện chống bán phá giá sẽ tiếp tục tăng, có thể xảy ra đối với bất kỳ mặt hàng nào của Việt Nam, ở bất kỳ thị trường nào, bất chấp đó có phải là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam hay không.

Từ năm 1995 - 2006, các thành viên của WTO đã tiến hành 3.044 vụ kiện chống bán phá giá, 191 vụ kiện chống trợ cấp, 158 vụ điều tra tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài. Hầu hết các biện pháp chống bán phá giá mà các nước phát triển áp dụng là để chống lại các thành viên thuộc nước đang phát triển.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - kể: "Ngành thủy sản Việt Nam thời gian qua đã gánh chịu 2 vụ kiện bán phá giá đối với mặt hàng tôm và cá tra, cá ba sa. Ở vụ kiện tôm, Mỹ kiện tất cả 6 nước, trong đó có Việt Nam. Từ ngày 1.2.2005, lệnh áp thuế chống bán phá giá bắt đầu được ban bố. Lúc đó mức thuế bình quân của tôm Việt Nam vào Mỹ chỉ là 4,57%, trong khi thuế dành cho Thái Lan là 5,95%, Ấn Độ là 10,17%, Trung Quốc từ 27-113%. Thành công của các doanh nghiệp tôm Việt Nam là nhờ sự đoàn kết, tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các chính khách Mỹ... Năm 2002, Việt Nam “dính” vào vụ kiện cá tra, cá ba sa. 3 tháng sau vụ kiện, sản xuất bắt đầu trở lại bình thường, 6 tháng sau giá nguyên liệu tăng, 9 tháng sau cá tra sản xuất không đủ bán. 1 năm sau vụ kiện, thị trường xuất khẩu cá được mở rộng, sản lượng tăng gần gấp đôi. Đến nay sau hơn 4 năm, sản lượng cá tra đã tăng gấp 7 lần, kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt 709 triệu USD. Bài học từ 2 vụ kiện trên là các doanh nghiệp phải giảm bớt lệ thuộc vào một thị trường, một sản phẩm duy nhất, phải theo dõi sát tình hình, luôn luôn chủ động đề phòng... Nếu sản phẩm tốt, giá cả phải chăng thì dù bị xử bất công, các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục kinh doanh thành công".

Tuy nhiên, những trường hợp đối phó vụ kiện chống bán phá giá thành công như mặt hàng tôm và cá hiện nay vẫn còn khá hiếm. Ông Bùi Sơn Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) - cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa chuẩn bị nhiều cho các vụ kiện chống bán phá giá từ nước ngoài. Ví dụ như trong vụ kiện giày da, cả 8 doanh nghiệp Việt Nam được chọn để giải trình trước Hội đồng châu Âu đều không đạt tiêu chí là doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, lý do là không ghi sổ sách đầy đủ, thậm chí có doanh nghiệp không lưu lại biên bản cuộc họp bầu ra lãnh đạo công ty, rớt ngay vòng đầu tiên trong cuộc giải trình". Theo ông Bùi Sơn Dũng, các biện pháp để tránh bị kiện là các doanh nghiệp phải có chuyên viên theo dõi kỹ về mặt luật pháp, các quy định của nước mình cần xuất khẩu, xem nước đó có áp dụng các biện pháp chống bán phá giá hay không, đã từng áp dụng với hàng Việt Nam hay chưa. Quan trọng nhất là phải đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường để không lâm nguy khi một thị trường nào đó đột ngột cho Việt Nam vào danh sách bán phá giá.



Theo thanhnien
Báo cáo phân tích thị trường