Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành thủy sản Pakixtan sẵn sàng phát triển và tăng trưởng
07 | 11 | 2007
Thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pakixtan, mặc dù chiếm chưa tới 1% GDP. Năm 2002-2003, XKTS đạt kim ngạch 7.867 triệu rupi, tăng 4% trong khi nông nghiệp chỉ tăng 3,8%.

Pakixtan được thiên nhiên ưu đãi nguồn lợi thủy sản phong phú với trên 1.000 loài phân bố dọc 1.050 km bờ biển, phổ biến là tôm, tôm hùm, cá đù, cá ngừ, cá hilsa, cá trích, cá chim, cá ngừ bonito, cá nheo, cá hồng, cá mú, cá tráp răng cưa, cá hố, cá tuyết, cá bơn, cá tráp, cá trích mòi,...

Ngành thủy sản Pakixtan tạo việc làm trực tiếp cho 300.000 người và gián tiếp 300.000 người trong những lĩnh vực liên quan.

Sản lượng

Mặc dù chưa xác định được trữ lượng nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế, nhưng kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy cá nổi và cá đáy có trữ lượng lớn.

Năm 2003, khai thác biển đạt 399.040 tấn trong tổng sản lượng 564.743 tấn thủy sản, khai thác nội địa 165.703 tấn. Sản lượng khai thác biển chủ yếu ở vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế chưa được khai thác do các tàu cá xa bờ bị cấm hoạt động.

Ðội tàu khai thác biển năm 2001 có 13.185 chiếc, trong đó có 2.564 tàu giã tôm và 3.600 tàu lưới vây, còn lại là các tàu buồm gắn máy. Ngoài ra, còn có 9 tàu giã công nghiệp của nước ngoài hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và XK toàn bộ sản phẩm đánh bắt. Số tàu giã tôm tăng nhanh nhờ các chính sách khuyến khích của Nhà nước như giảm thuế, miễn thuế NK máy thủy và ngư cụ, chậm trả nợ và ưu đãi XK.

Khai thác nội địa

Nghề cá nội địa về cơ bản có vai trò không đáng kể, chủ yếu tập trung ở các vùng sông, kênh mương và hồ chứa nước. Ðây là nghề phụ của khoảng 287.000 người, sử dụng khoảng 20.000 thuyền nhỏ.

Nuôi trồng thủy sản

Nâng cấp cảng cá Karachi theo tiêu chuẩn EU

Chính phủ Pakixtan đã chọn biện pháp tự cấm XKTS sang EU sau chuyến thanh tra của EU hồi tháng 12/1997. Các thanh tra EU cho rằng các phương pháp chế biến và xử lý thủy sản sử dụng tại cảng Karachi không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của EU và yêu cầu phải nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh hoặc là mất thị trường EU.

Lệnh tự cấm XK sẽ được bãi bỏ nếu thủy sản XK sang EU được kiểm tra qua hành lang K-1 mới hoàn thiện do cảng cá Karachi (KFHA) xây dựng để đáp ứng các yêu cầu vệ sinh của EU. Hành lang K-1 là khu vực đặc biệt để đảm bảo sản phẩm thủy sản XK sang EU đạt tiêu chuẩn cao và là nơi KFHA đề ra chiến lược kiểm nghiệm và xây dựng các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng thủy sản XK theo yêu cầu của EU.

Các nhà XK phải tuân thủ hệ thống nguyên tắc chặt chẽ để sản phẩm được thông qua hành lang K-1, bao gồm giấy chứng nhận thông quan và giấy chứng thư của Cục Hải sản.

Hoạt động NTTS diễn ra ở các tỉnh Punjab, và Sindh, nhưng quy mô nhỏ, với các loài như cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, các cá khác họ cá Chép và loài bản địa là cá trôi Ấn Ðộ.

Khai thác nội địa và nuôi trồng thủy sản những năm gần đây được chú trọng nhiều hơn, chính phủ Pakixtan đã thành lập một số trung tâm sản xuất giống và đào tạo cho nông dân.

Nuôi tôm biển Penaeus merguiensis và P. indicus mới bắt đầu ở một số mô hình trình diễn, chưa thể phát triển rộng rãi do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn tôm giống, cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác.

Hiệu quả kinh tế của ngành thủy sản

Khai thác thủy sản là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nền kinh tế Pakixtan. Tại một số vùng nông thôn, nhất là ở tỉnh Sindh và Balochistan - nơi thu nhập của người dân còn thấp - phát triển thủy sản đã góp phần tạo việc làm và nâng cao đáng kể mức sống của họ.

Triển vọng phát triển

Ðể nâng cao vị trí của ngành thủy sản, chính phủ Pakixtan đã đề xuất chương trình nâng cấp nghề cá. Giai đoạn đầu sẽ nâng cấp khoảng 2.000 tàu cá để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá Karachi đang được nâng cấp, cải tiến việc xử lý cá trên tàu cá, khu vực đấu giá và trong quá trình vận chuyển nhằm làm giảm thất thoát sau thu hoạch (hiện chiếm 40% giá trị), buộc sử dụng khay đựng bằng nhựa trên các tàu cá, khu bán đấu giá và nhà máy chế biến. Ðể đảm bảo điều kiện vệ sinh, tôm và cá được phân loại, ướp đá trên bàn phân loại tại khu bán đấu giá và chợ cá, cấm vứt tôm, cá trên sàn ximăng, buộc xây dựng khu sơ chế tôm trong nhà máy chế biến.

Kế hoạch thúc đẩy XKTS

Nhằm mục tiêu kim ngạch XKTS 1 tỷ USD/năm. Kế hoạch cũng bao gồm việc nâng cấp 12-13 nghìn tàu cá với những thiết bị cấp đông và bảo quản hiện đại, cải thiện chăm sóc sức khoẻ ngư dân, tăng cường thông tin liên lạc và cải thiện các cơ chế XK.

Từ khi EU trở thành thị trường NK chính thủy sản của Pakixtan, các nhà chế biến nhận thấy cần đáp ứng yêu cầu của thị trường này. Tháng 12/1997, thanh tra EU đã sang Pakixtan để đánh giá điều kiện sản xuất và chế biến thủy sản. Các thanh tra viên đã chỉ ra những sai lỗi cụ thể, nhất là về điều kiện vệ sinh ở cảng cá Karachi và các nhà máy chế biến thủy sản. Chính phủ liên bang đã cử chuyên gia và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở chế biến thủy sản để cải thiện điều kiện sản xuất phù hợp với các chỉ thị của EU. Hiện 18 cơ sở chế biến thủy sản đã cải thiện điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm XK sang EU.

Pakixtan hiện tập trung khai thác với cường độ mạnh vùng ven bờ, chủ yếu là đánh bắt tôm - nguồn lợi đã đạt mức khai thác tới hạn. Sắp tới, cần tăng cường khai thác nguồn lợi cá nổi và cá đáy ở vùng xa bờ.

Kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đại dương bằng lưới kết hợp cơ giới đã được áp dụng. Các tàu hoạt động ở vùng xa bờ sẽ cơ giới hoá việc kéo lưới giã thông qua nâng cấp và cải hoán hoặc đóng mới các tàu cá quy mô công nghiệp.

Khai thác cá ngừ đại dương ở vùng đặc quyền kinh tế có triển vọng tốt, nhưng việc các nước trong khu vực xây dựng đội tàu cá ngừ của họ cũng ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của Pakixtan.

Trong khai thác nhuyễn thể chân đầu, sẽ dụng các loại ngư cụ mới như câu cần, câu vàng và câu lưỡi và lồng bẫy. Việc nguồn lợi nhuyễn thể chân đầu trong vùng đặc quyền kinh tế còn rất lớn nhưng chưa được khai thác đang thu hút nhiều vốn đầu tư.

Ngành khai thác nội địa và nuôi trồng thủy sản có tiềm năng phát triển tốt với 2 triệu ha mặt nước ngọt thích hợp, nhưng hiện mới sử dụng rất ít. Ngoài ra, phát triển nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Sindh cũng có triển vọng tốt.

Pakixtan cũng cần xây dựng chính sách nghề cá quốc gia tổng hợp nhằm mục tiêu dài hạn để quản lý bền vững các nguồn lợi thủy sản, cùng với việc phải nâng cấp và củng cố hệ thống cơ quan quản lý nghề cá.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường