Tại TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2008 đã tăng 3,3 yên, tương đương 1,1%, lên 305 yên/kg. Trong ngày, giá đã có lúc lên tới 307,5 yên/kg, mức cao nhất đối với bất cứ một hợp đồng nào kể từ ngày 4/7/2006.
Các thương gia dự báo giá cao su có thể sẽ tăng trở lại ngưỡng 324,5 yên/kg ghi được hồi tháng 6 năm ngoái, bởi giá dầu mỏ tăng cao kéo giá các loại hàng hoá khác tăng theo. Dầu tăng giá khiến cao su thiên nhiên trở nên hấp dẫn hơn so với cao su tổng hợp - một sản phẩm hoá dầu cùng biến động theo giá dầu mỏ.
Trên thị trường physical, giá cao su tiếp tục tăng do mưa kéo dài ở Thái lan và Malaysia – hai nước sản xuất chủ chốt trên thế giới. Khả năng xu hướng giá tăng sẽ còn kéo dài trong những ngày còn lại của tuần này.
Hoạt động giao dịch ở Indonexia, nước sản xuất cao su lớn khác, vẫn sôi động bởi giá cao su của họ, nhất là loại SIR20, rẻ hơn đã hấp dẫn các công ty sản xuất lốp xe, đặc biệt là những khách hàng đến từ Trung Quốc – khách hàng lớn nhất thế giới. Sản lượng lốp xe chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ cao su ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thương gia Indonexia không thể ký những hợp đồng lớn bởi nguồn cung sụt giảm vì mưa. Hoạt động khai thác mủ cao su ở Medan, khu vực trồng cao su chủ chốt của Indonexia ở phía Bắc Sumatra, bị gián đoạn do mưa dài ngày. Trong khi đó ở Palembang, khu vực trồng cao su chủ chốt của nước này ở phía nam, bước vào mùa đông - thời điểm cây cao su cho ít mủ hơn.
Hiện giá cao su trên thị trươòng thế giới đã cao gấp 4 lần so với mức giá hồi 2001- mức thấp nhất của 30 năm. Một số nhà phân tích dự báo giá cao su có thể tăng khoảng 18% lên 3 USD/kg vào năm tới.
Diễn biến giá cao su physical:
Loại | Giá 05/11 | +/- |
Thai RSS3 (tháng 1/08) | 2,58 USD/kg | +0,03 |
Thai STR20 (tháng 1/08) | 2,48 USD/kg | +0,03 |
Malaysia SMR20 (tháng 1/08) | 2,46 USD/kg | +0,03 |
Indonesia SIR20 (tháng 1/08) | 1,08 USD/lb | unchanged |