Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo trong năm 2007: Thuận lợi cho nhà nông và doanh nghiệp
01 | 07 | 2007
Làm gì để tận dụng cơ hội thị trường gạo thế giới trong thời gian tới có lợi cho người bán? Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Trương Thanh Phong (ảnh) - chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN.
Thưa ông, cơ sở nào để đưa ra dự báo rằng giá gạo từ nay đến hết vụ đông xuân năm 2007 vẫn ở mức cao?

- Theo dõi tình hình sản xuất lương thực trên thế giới, chủ yếu là lúa và lúa mì, có cơ sở để khẳng định giá gạo thế giới trong thời gian tới sẽ diễn biến theo chiều hướng rất thuận lợi cho những nước xuất khẩu gạo. Sản lượng lúa mì thu hoạch của Úc năm nay giảm mạnh, chỉ còn 7-8 triệu tấn. Ấn Độ vẫn thường xuất khẩu lúa mì nhưng năm nay nhiều khả năng họ phải nhập khẩu do thất mùa. Để bù đắp cho sản lượng lúa mì bị thiếu hụt, các nước sẽ tăng cường nhập khẩu gạo. Trong khi đó nguồn cung gạo lại giảm do các nước sản xuất gạo cũng gặp thiên tai. Cung không đủ cầu, chắc chắn giá gạo, kể cả trong nước và xuất khẩu, sẽ ở mức cao.

* Gần đây có tin Thái Lan sẽ ngưng bảo hộ gạo, có khả năng các nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán gạo ra thị trường, việc này có ảnh hưởng gì đến cung cầu và giá gạo trong thời gian tới?

- Giá gạo Thái Lan trên thị trường là giá chuẩn, giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới thường xoay quanh giá gạo Thái Lan. Thời gian qua giá gạo VN thường thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng vài chục đôla mỗi tấn. Do vậy, nếu giá gạo Thái Lan giảm, chắc chắn sẽ tác động đến giá gạo chung trên thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chính phủ mới tại Thái Lan vẫn chưa đưa ra bất cứ thay đổi gì đối với chính sách bảo hộ giá gạo. Cụ thể, từ ngày 1-11 tới đây Thái Lan tiếp tục trợ giá cho việc mua lúa của nông dân, một dấu hiệu để tin rằng giá gạo của Thái Lan trên thị trường vẫn ổn định ở mức cao. Hơn nữa, VN và Thái Lan hiện nay vẫn đang phối hợp khá tốt trong vấn đề chia sẻ thông tin về thị trường gạo. Tóm lại, không có ảnh hưởng gì lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo, VN có cơ hội rất lớn để nâng dần giá gạo xuất khẩu.

* Thưa ông, thị trường có lợi cho người bán nhưng vì sao thời gian qua vẫn có tình trạng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã “bán gạo chất lượng cao với giá thấp”?

- Có tình trạng này và hậu quả là DN bị giảm lợi nhuận. Chẳng hạn như tháng 7-2006 vừa qua, nếu các DN mua vào mà không bán ra, đến thời điểm này mới bán thì sẽ trúng lớn. Trong năm có hai thời điểm là tháng tư và tháng bảy, nếu các DN giữ gạo lại, không bán với giá thấp, họ sẽ đạt lợi nhuận nhiều hơn. Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo nhưng DN chưa thực hiện được vì nhiều lý do. Khó khăn lớn nhất là đa số DN kinh doanh gạo có ít vốn, trong khi nhu cầu vốn để kinh doanh ngày càng tăng do giá gạo tăng. Trước đây, DN chỉ cần 20 tỉ đồng là có thể mua được 10.000 tấn gạo 5% tấm, nhưng nay khi giá gạo lên đến 4.300 đồng/kg thì DN phải cần tới 43 tỉ đồng. DN thiếu vốn, các ngân hàng vẫn cho vay nhưng kèm theo điều kiện là phải có hợp đồng nên DN phải chấp nhận ký để có được hợp đồng theo yêu cầu của ngân hàng, dù giá thấp. Sắp tới, chúng tôi cùng với ngân hàng ngồi lại để tìm ra giải pháp.

Một cái khó nữa là hệ thống kho tàng, vừa thiếu vừa không đáp ứng các tiêu chuẩn. Giải quyết vấn đề này phải cần thời gian. Theo yêu cầu của Chính phủ, từ nay đến năm 2010, ngành lương thực sẽ xây dựng mở rộng và nâng cấp hệ thống kho tàng để nâng sức chứa lên 1 triệu tấn, so với 600.000 tấn hiện nay.

* Ông có quá lạc quan về hoạt động xuất khẩu gạo với mục tiêu 5 triệu tấn gạo khi mà dịch bệnh đang bùng phát ở ĐBSCL làm giảm sản lượng lúa hàng hóa?

- Đến thời điểm này, các DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu khoảng 4,9 triệu tấn, nếu bán thêm 100.000 tấn gạo nữa cho đạt chỉ tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo của năm 2006 cũng không ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh lương thực.

Tuy sản lượng lúa ở ĐBSCL giảm khoảng 700.000 tấn, nhưng bù lại miền Trung và miền Bắc trúng mùa, sản lượng tăng thêm 1,2 triệu tấn. Tính ra tổng sản lượng lúa cả nước năm nay tăng hơn 400.000 tấn so với năm trước. Từ nay đến cuối năm chúng ta còn phải giao gần 900.000 tấn gạo. Trong lịch sử 18 năm xuất khẩu gạo chưa có năm nào trong quí 4 lại xuất được số gạo nhiều như thế. Theo tính toán của Hiệp hội Lương thực VN, nguồn gạo tồn kho của các DN chuyển từ năm nay sang đầu năm 2007 chỉ khoảng 150.000 tấn, thấp hơn 100.000 tấn so với lượng tồn kho cuối năm trước. Lượng lúa gạo còn tồn trong dân cũng giảm. Vì vậy, xuất 4,8 triệu tấn gạo là khả thi, vấn đề là giá trị xuất khẩu chứ không phải số lượng xuất. Chưa thể chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 1,4 tỉ nhưng trước mắt có thể nói con số này dao động từ 1,3-1,4 tỉ USD.



Văn Cương (Theo Tuổi Trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường