Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau an toàn: Sản xuất, tiêu thụ đều khó !
14 | 11 | 2007
Theo Vụ Khoa học, Công nghệ (Bộ NN&PTNT) hiện nay cả nước mới chỉ có 5% diện tích trồng rau cả nước áp dụng quy trình sản xuất an toàn; 80% nước tưới cho rau là nước mặt, chưa qua kiểm nghiệm, khẳng định chất lượng; 60% diện tích trồng rau hiện vẫn sử dụng phân hữu cơ... Ngày 12-11, tại UBND xã Vân Nội (Đông Anh), Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo “Khó khăn, tồn tại và biện pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ rau an toàn (RAT)”.

Kết quả điều tra của Vụ Khoa học - Công nghệ tại hội thảo cho thấy, chỉ có khoảng 10% nông dân hỏi ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, còn lại là nghe theo sự “chỉ bảo” của cơ sở bán thuốc. Đây thực sự là điều đáng buồn với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.

Sự quan tâm chưa đúng mức của các ban, ngành, địa phương khiến tỷ lệ rau có vi khuẩn coliform, ecoli cũng như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rất cao. Qua kiểm tra, xét nghiệm 426 mẫu rau gần đây, có tới 183 mẫu (42,9%) còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 9,2% vượt ngưỡng cho phép; 100% mẫu nhiễm vi khuẩn coliform, 40% có vi khuẩn ecoli… Theo Tiến sĩ Lê Văn Bầm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN-PTNT), nguyên nhân khiến RAT chưa phát triển được là việc quy hoạch vùng sản xuất còn chậm, ảnh hưởng đến việc đầu tư; bên cạnh đó còn là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Tại hội thảo Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật Nguyễn Hồng Sơn cho rằng trồng rau theo quy trình an toàn, sản lượng sẽ giảm đáng kể so với trồng thông thường. Như vậy, giá thành sẽ tăng, người tiêu dùng không thể đòi hỏi rau chất lượng cao mà giá không tăng. Vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là thay đổi nhận thức của nông dân mà còn là của người tiêu dùng. Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Sơn cho biết, ngay cả cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có cách nhìn đúng đắn về vấn đề này. Thời gian tới, Viện sẽ tổ chức một điểm bán RAT do Viện sản xuất ngay tại phố Ngọc Hà để phục vụ cán bộ ngành.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, không thể bắt nông dân trồng rau sạch cung cấp với giá bình dân mà không có sự hỗ trợ thích đáng từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trên thực tế, hạ tầng sản xuất RAT ở nhiều nơi còn nhiều hạn chế. Ngay ở Vân Nội, hệ thống kênh mương cung cấp nước tưới còn chưa được kiên cố hóa...

Gần đây, vấn đề RAT đã được “đẩy” lên quá mức. Điều đó có lợi cho một bộ phận người tiêu dùng, nhưng vô tình đã gây sức ép quá lớn đối với nông dân. Sản xuất, cung cấp sản phẩm không có lợi cho sức khỏe cộng đồng đương nhiên bị cấm, không chỉ với ngành nông nghiệp. Việt Nam đã hội nhập quốc tế, đã được nhiều quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường. Hãy để người trồng rau và người tiêu dùng tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Hãy để nông dân được hưởng thành quả của mình một cách tương xứng với những giọt mồ hôi và nước mắt mà họ đã đổ xuống. RAT phải có giá bán đúng với giá trị của nó.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường