Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản: Cần chiến lược khả thi
15 | 11 | 2007
Vì sao một nước có ưu thế về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản như Việt Nam lại phải tính đến việc nhập khẩu thủy sản? Một điều tưởng như phi lý nhưng lại xảy ra từ rất lâu. Khi công suất chế biến trong nước ngày càng vượt xa sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thì vấn đề nhập khẩu thủy sản nguyên liệu lại được xem như giải pháp mang tính chiến lược.

Do nguồn thủy sản khai thác và nuôi trồng trong nước, nguyên liệu dành cho XK ngày một ít đi so với năng lực chế biến của các DN xuất khẩu nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đã xảy ra. Vấn đề tranh mua nguyên liệu, giảm giá bán nhằm lôi kéo khách hàng không còn hiếm hoi. Việc các nguyên liệu thủy sản như: tôm, cá... được các DN nhập từ Na Uy, Canada, Myanma, Trung Đông... về chế biến tiêu dùng trong nước và tái XK không còn xa lạ. Chỉ riêng cá hồi, bình quân mỗi năm Việt Nam phải NK khoảng 1.500 tấn từ các nước châu Âu.

Tuy nhiên, để DN nhập khẩu như thế nào cho bài bản và hiệu quả nhất thì phải đến giữa năm 2007 mới được đưa ra xới xáo.

Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, hệ thống nhà máy chế biến thời gian gần đây đã phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ phát triển sản xuất, khai thác nguyên liệu. Chỉ trong hơn 1 năm qua, năng lực chế biến thủy sản đông lạnh của các nhà máy đã tăng không dưới 20%, trong khi lượng nuôi và khai thác trong năm 2006 chỉ tăng hơn 7,6% so với 2005. Cung và cầu mất cân đối dẫn đến thời gian gần đây, đa số nhà máy chế biến thủy sản chỉ chạy được 30% - 50% công suất thiết kế, gây lãng phí lớn về đầu tư.

Tình trạng thiếu nguyên liệu tập trung vào các nhà máy chế biến ở miền Trung, miền Bắc, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Thậm chí ngay tại vùng nguyên liệu dồi dào như ĐBSCL, nhiều DN chế biến cũng rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trong những tháng đầu năm, nhất là những lúc vùng thủy sản nuôi bị dịch bệnh...

Với ưu thế nhiều nhà máy chế biến tại Việt Nam có công nghệ hiện đại hơn một số nước có nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào, Việt Nam cũng nên tận dụng tối đa khả năng để nhập nguyên liệu thô về chế biến tái xuất, quay đồng vốn nhanh và tạo giá trị thặng dư lớn. Hơn nữa, việc nhập nguyên liệu cũng là động lực để người nuôi thủy sản trong nước nhìn nhận và nâng cao sức cạnh tranh trong nuôi trồng.

Được biết, VASEP đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đề án NK nguyên liệu thủy sản theo một chiến lược bài bản, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu nhập khẩu về mọi mặt, đặc biệt vấn đề an toàn. Theo VASEP, trước hết phải có tác động của Chính phủ để có các thỏa thuận song phương với các nước có nguồn cung sẽ được ký kết để thuận tiện cho việc thu hút nguyên liệu. Đồng thời, Chính phủ nên xem xét lộ trình cắt giảm thuế NK thủy sản xuống 0% như Trung Quốc, Mỹ, EU và nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, tùy vào đối tượng, nguồn gốc xuất xứ mà Việt Nam đánh thuế NK nguyên liệu thủy sản 10%, 20%..., gây khó khăn không ít cho các DN.

Tuy nhiên, cũng cần phải đề cập tới một vấn đề không kém quan trọng đó là việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, bởi một số nước truy xét rất khắt khe đối với nguồn gốc nguyên liệu chế biến được NK từ nước thứ 3. Vì thế, nếu Việt Nam không có sự kiểm soát chặt chẽ thì nguyên liệu NK từ nước ngoài sẽ trở thành mối đe dọa lớn đến uy tín thủy sản XK của Việt Nam.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường