Với 15.704 ha mía và năng suất bình quân trên 100 tấn /ha trong vụ này, Hậu Giang là tỉnh đứng đầu về diện tích trồng mía và năng suất cũng đạt cao nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, kết quả thí điểm tại các điểm trồng mía trình diễn cho thấy nếu nông dân áp dụng mô hình trồng mía lưu gốc (tức thu hoạch xong tiếp tục giữ gốc lại để thu hoạch tiếp các năm sau) thì năng suất và hiệu quả kinh tế còn cao hơn vì giảm được chi phí trồng mỗi vụ mà năng suất đạt cao hơn từ 15 đến 20% so với lần trồng đầu tiên. Vì sao mô hình này chưa được nhân rộng ở Hậu Giang?
Tại huyện Phụng Hiệp, trong vụ này bà con xuống giống được gần 8.000 ha mía, trong đó có khoảng 1.000 ha được áp dụng mô hình trồng mía lưu gốc. Hầu hết những hộ áp dụng mô hình trồng mía lưu gốc là những hộ có diện tích trồng mía nằm trong hệ thống đê bao hoàn chỉnh, có thể ngăn được lũ, bảo vệ an toàn diện tích mía trong suốt mùa lũ và thu hoạch rãi vụ trong suốt năm. Nhờ thu hoạch muộn, mía đủ độ chín và đủ chữ đường nên cả năng suất và giá bán đều tăng cao hơn rất nhiều so với bán mía non chạy lũ.
Ông Phạm Văn Vinh, người trồng mía lâu năm ở huyện Phụng Hiệp cho biết, hàng năm cứ vào mùa lũ lên là gia đình phải thu hoạch mía để chạy lũ nên chuyện mía "dội hàng" và tư thương "ép giá" là chuyện thường. Năm nay, được nhà nước đầu tư thuỷ lợi, ông quyết định trồng mía lưu gốc. Dự kiến đến cuối vụ thu hoạch, năng suất mía đạt không dưới 200 tấn/ha. Nếu giá như thời điểm cuối năm rồi là 650 đồng/kg, thì gia đình ông cầm chắc mức lãi trên 50 triệu đồng nhưng không phải tốn chi phí đầu tư cho vụ sau.
Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nông dân thu hoạch mía sớm để sạ lại 1 vụ lúa thì lợi nhuận từ 1 vụ lúa chỉ đạt khoảng 7 đến 8 triệu đồng/ha. Nếu giữ mía lại thêm khoảng 2 tháng nữa thì trọng lượng mía sẽ tăng thêm 0,1 kg/cây, năng suất mía sẽ tăng thêm khoảng 10 tấn/ha đồng thời chữ đường trong mía cũng tăng thêm từ 2-3 CCS. Theo giá mua của các nhà máy hiện nay, nếu mía tăng thêm 1 CCS thì giá mua cũng tăng thêm 25 đồng, như thế hiệu quả từ việc giữ mía lại tăng cao hơn rất nhiều so với trồng xen 1 vụ lúa đồng thời khi trồng lưu gốc lại, bà con không phải tốn chi phí đầu tư trồng lại vụ sau.
Tuy nhiên, để trồng mía lưu gốc đòi hỏi có hệ thống đê bao chống lũ hoàn chỉnh. Trong số 10.000 ha vùng mía nguyên liệu được tỉnh Hậu Giang quy hoạch thì đến nay mới chỉ có trên 2.500 ha là có hệ thống đê bao hoàn chỉnh có thể chủ động ngăn lũ. Số còn lại chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh. Đây là một khó khăn lớn cho nông dân muốn áp dụng mô hình trồng mía lưu gốc.
Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đang khuyến cáo nông dân trồng mía lưu gốc bằng cách tích cực bơm tát nước ở những rẫy mía đã có bờ bao hoàn chỉnh đồng thời vận động nông dân nên thành lập từng tổ hợp tác có quy mô khoảng 5 ha để xây dựng hệ thống đê bao hoàn chỉnh chủ động nguồn nước tưới tiêu. Theo đó, từng bước sẽ nhân rộng mô hình trồng mía lưu gốc ở tất cả những diện tích còn lại./.