Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủ tướng chỉ đạo : Một số nhiệm vụ Nông nghiệp nông thôn năm 2007
20 | 11 | 2007
Để đạt mục tiêu đến năm 2020, nước ta trở thành nước công nghiệp và yêu cầu, mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, nhiệm vụ kế hoạch nông nghiệp, nông thôn năm 2007, cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo:
1. Bộ NN&PTNT nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất cơ chế và giải pháp chính sách để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Sản xuất lương thực: đây là ngành hàng sản xuất có lợi thế và khả năng canh trạnh của Việt Nam và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giữ ổn định diện tích trồng lúa khoảng 4 triệu ha có tưới ổn định; tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, thực hiện cơ giới hoá từ làm đất đến thu hoạch, đẩy mạnh công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và chế biến. Sớm tổng kết chương trình sản xuất 1,0 triệu ha lúa chất lượng cao để mở rộng. Tập trung chỉ đạo kiên quyết không để dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá tái bùng phát ảnh hưởng đến các vụ lúa tiếp theo. Bộ NN&PTNT, Bộ Thương mại phối hợp với UBND các tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo tốt việc tiêu thụ lúa Đông Xuân 2006-2007 ở đồng bằng sông Cửu Long, không để rớt giá làm ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Các loại cây công nghiệp: cần tập trung đầu tư thâm canh diện tích hiện có và mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện đối với một số loại cây công nghiệp đang có lợi thế và khả năng cạnh tranh: cao su, cà phê, điều, tiêu và một số cây ăn quả, rau và hoa.
Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng, điều chỉnh diện tích đất trồng rừng kinh tế, rừng và đất rừng không còn chức năng phòng hộ sang trồng cao su để đến năm 2010 diện tích cao su cả nước đạt 700.000 ha. Việc phát triển trồng mới cao su trên địa bàn Tây Nguyên phải gắn với việc thu hút lao động đồng bào dân tộc vào làm việc cho các doanh nghiệp bảo đảm đồng bào có đất sản xuất, có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống.
Đối với cây ăn quả, rau và hoa phải tập trung áp dụng nhanh tiến độ khoa học và công nghệ  để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo quản, chế biến và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chăn nuôi: sớm hoàn thành quy hoạch phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp và sản xuất thức ăn chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung cao nhất, chỉ đạo quyết liệt nhất để sớm khống chế và dập tắt dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng gia súc; phải điều chỉnh ngay chủ trương cấm ấp nở thuỷ cầm ở đồng bằng sông Cửu Long; trước mắt, tất cả thuỷ cầm đang nuôi (từ 15 ngày tuổi trở lên) phải được tiêm phòng.
Lâm nghiệp: Cần nhanh chóng hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh và quy hoạch 3 loại rừng. Trong năm 2007 xây dựng trình thủ tưởng Chính phủ chiến lược phát triển rừng trên phạm vi cả nước theo hướng giữ ổn định 2 triệu ha rừng đặc dụng, 6 triệu ha rừng phòng hộ và 8 triệu ha rừng kinh tế; đảm bảo độ che phủ của rừng 42%-43%; khuyến khích, tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng; khẩn trương hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân bảo vệ, chăm sóc và trồng mới.
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phải theo hướng: tăng nhanh các ngành dịch vụ công nghiệp, nhất là các ngành công nghệ chế biến gắn với việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng tiêu dùng, khôi phục, phát triển ngành nghề, làng nghề; bảo vệ nguồn tài nguyên (đất, nước,..., vệ sinh môi trường nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và giảm các khoản đóng góp của nông dân, bao gồm cả chính sách hỗ trợ thuỷ lợi phí.
Tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá; trước hết tập trung đầu tư và đưa vào sử dụng những công trình trực tiếp giảm nhẹ thiên tai bão lũ, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường ở nông thôn như: giao thông, thuỷ lợi, đê điều, cảnh báo bão, lũ, dịch bệnh gia súc, gia cầm và cây trồng...v.v.
3. Làm tốt công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ tiếp nhận các tiến bộ khoa học, công nghệ của các nước trên thế giới, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm để chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo; giải quyết việc làm, nhất là đối với nông dân bị thu hồi đất sản xuất cho phát triển công nghiệp, đô thị, xây dựng hạ tầng và nhu cầu công cộng khác; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch nông thôn; có quy hoạch kế hoạch khắc phục và giải quyết ô nhiễm môi trường, trước hết ở các cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn.
4. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước (xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, thanh tra kiểm tra,...) và đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý triệt để cho địa phương và cơ sở, tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước; rà soát, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho sản xuất, doanh nghiệp và nông dân; quản lý có hiệu quả, chống lãng phí thất thoát trong xây dựng cơ bản.
5. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, đổi mới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh trên phạm vi cả nước; đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế, trang trại và doanh nghiệp trong nông nghiệp và ở nông thôn phát triển.


NS.
Báo cáo phân tích thị trường