Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Nếu FPT thoả hiệp, giáo dục đại học tiếp tục cơ chế cũ"
22 | 07 | 2007
Kế hoạch tuyển sinh 500 sinh viên khoá I của trường Đại học Tư thục FPT có nguy cơ bất thành. Vì, quyết tâm của trường là "tự chủ đại học", thì hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu phải tiếp tục tuân thủ quy định cũ.

Ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, và là thành viên Hội đồng quản trị Đại học FPT trả lời phỏng vấn báo giới về "sự cố" này.

Thưa ông, vì sao ngày 5/10, nghĩa là sau khi có công văn 11096 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (3/10), FPT vẫn công bố kế hoạch tuyển sinh?

Chúng tôi nhận được công văn này khi cuộc họp thông báo kế hoạch tuyển sinh đã được mời. Nhưng, việc chúng tôi không hoãn cuộc họp đó không chỉ là vì vấn đề thời gian. Cho dù lịch trình có thể bị trì hoãn, Đại học FPT cũng sẽ chỉ tuyển sinh theo phương thức thực sự tự chủ như đã công bố.

Theo công văn 11096 thì dù có quyết định của Thủ tướng, một trường đại học cũng chỉ có thể tuyển sinh sau khi xin thêm một loạt "giấy phép con": được Bộ Giáo dục và đào tạo cấp quyết định mở ngành đào tạo; được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp chỉ tiêu tuyển sinh… Nhưng FPT đã tuyên bố tuyển sinh mà không hề xin các "giấy phép con" đó?

Chúng tôi không xin. Một trong những lý do để FPT mở đại học là vì chúng tôi muốn có những sản phẩm giáo dục mới. Những sản phẩm mà chỉ có thể có được khi các trường đại học có quyền "tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội" như tinh thần của Nghị quyết số 14 ngày 2/11/2005 của Chính phủ.

Việc xin thêm vài cái giấy phép con chỉ là thủ tục, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học, người ký công văn yêu cầu FPT đình chỉ việc tuyển sinh đã "đánh tiếng" trên báo rằng, chỉ cần FPT xin, thủ tục sẽ nhanh thôi?

Nếu chúng tôi thoả hiệp thì nền giáo dục Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi? Tại sao không ai đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục: Tại sao những quy định có từ thời bao cấp lại vẫn không được sửa?

Ngày xưa, Bộ cấp kinh phí cho các trường đại học. Sinh viên ra trường bộ phân công công tác. Nên mới có chuyện Bộ phân chỉ tiêu. Nay từ quy mô tuyển sinh đến khả năng tìm kiếm việc làm đều do thị trường lao động "phân công". Tại sao Bộ lại phải phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh và lo về chất lượng thay cho các trường đại học?

Nhưng giáo dục là một trong những sản phẩm mà, có lẽ Bộ nghĩ rằng, Nhà nước không thể cứ thả nổi?

Những sản phẩm liên quan đến giáo dục vẫn cần có sự quan tâm của Nhà nước. Nhưng tôi cho rằng, ngay cả trong những ngành này, thị trường vẫn đóng vai trò giám sát điều chỉnh tốt hơn Nhà nước.

Thị trường?

Không thiếu những kẻ rắp tâm lừa đảo và làm ăn thiếu trách nhiệm. Nhưng những kẻ lừa đảo sẽ bị đào thải. Hàng năm, chúng tôi nhận hàng ngàn sinh viên vừa ra trường và tất cả họ đều phải được FPT đào tạo lại trước khi có thể làm việc, chất lượng đào tạo như vậy không thể nói là tốt. Thế mà chưa thấy bộ đóng cửa trường đại học nào. Nhưng tôi tin là khi đại học có quyền tự chủ, những trường tốt đưa ra được sản phẩm chất lượng cao thì những trường chỉ có những sản phẩm tồi sẽ bị thị trường đóng cửa.

Khi "ngoan cố" như thế, FPT có hy vọng và chờ đợi gì vào ông bộ trưởng mới?

Chúng tôi biết là ông Nguyễn Thiện Nhân cũng có những khó khăn. Nhưng chúng tôi hy vọng vào ông Nhân vì ông là một bộ trưởng am hiểu công việc và có trách nhiệm.

Trong ngành công nghệ thông tin, cứ mỗi 6 tháng là người ta phải thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo. Bộ yêu cầu chúng tôi báo cáo một chương trình học cho năm năm. Làm sao chúng tôi có? Tôi biết ông Nhân hiểu điều đó. Chúng tôi quan sát những nỗ lực chống tham nhũng của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng chống tham nhũng chỉ là chuyện nhỏ, thay đổi cơ chế đã lỗi thời mới là chuyện lớn.

FPT dự định xây dựng một trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cho tới bây giờ, nhiều người băn khoăn rằng, chỉ thấy mức học phí 11.200 đô la cho toàn khoá của FPT là có dáng dấp quốc tế?

Tham vọng của chúng tôi là FPT sẽ được nhắc đến  như là một trong những trường đại học có đẳng cấp quốc tế… 11.200 đô la là mức chi phí để có thể đảm bảo cho một sinh viên công nghệ thông tin ra trường có thể làm việc được ngay trong môi trường quốc tế.

Ở Việt Nam có rất nhiều sinh viên giỏi nhưng nghèo. Mức học phí như vậy, thưa ông, liệu có cản trở những sinh viên này đến với FPT?

Chúng tôi có học bổng cho những sinh viên xuất sắc. Với những sinh viên đủ tiêu chuẩn vào FPT, nhưng nghèo, chúng tôi sẽ đứng ra bảo lãnh để các em có thể vay tiền từ chương trình tín dụng mà FPT bảo lãnh. Các em chỉ phải trả lại sau khi đã ra trường và có việc làm. Chúng tôi cần những sinh viên muốn đổi đời bằng cách dám chấp nhận vay tín dụng, chấp nhận thách thức ngay từ khi mới vào trường như thế.

Ở Việt Nam thu nhập người dân chưa được quản lý bằng tài khoản. Làm sao FPT tránh được rủi ro khi bảo lãnh tín dụng cho sinh viên trong điều kiện Việt Nam?

Hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ. Không ai vì 10 nghìn đô la để hy sinh danh dự và sự thành đạt của đời mình. Những người quỵt nợ ngân hàng thì cả đời sẽ không thể nào làm ăn lớn được. Chúng tôi bảo lãnh và theo sát tiến trình học tập của các em. Khi phát hiện những em không chịu học hành đến nơi đến chốn, chúng tôi sẽ dừng các khoản tín dụng ngay để giới hạn mức thiệt hại.

Bộ Giáo dục và đào tạo lại vừa có công văn nhắc nhở lần thứ hai, yêu cầu FPT tuân thủ những quy định hiện hành, FPT sẽ chấp hành hay cứ làm theo tinh thần tự chủ?

Tinh thần cho đại học tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội là của Thủ tướng. Việc triển khai chậm là do lỗi của Bộ Giáo dục. Nhưng, chúng tôi sẽ chỉ kiên trì thuyết phục Bộ ủng hộ chúng tôi hoạt động theo tinh thần mới. Nếu FPT đã chuẩn bị bộ máy mà không được tuyển sinh; nếu 500 sinh viên mất cơ hội học ở một trường đại học có đẳng cấp và cơ hội làm việc ngay với mức lương cao ở FPT… thì thiệt hại to lớn sẽ không chỉ có chúng tôi hứng chịu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không thoả hiệp.

Nhiều trường đại học trước đây muốn đấu tranh nhưng rồi trước khó khăn, họ đã thoả hiệp. Và môi trường giáo dục đại học đã không có gì thay đổi cả. Chúng tôi tin là bộ sẽ không vì những quy định lỗi thời để làm chậm đi nhiệt tình của chúng tôi.



(Nguồn: Sài Gòn tiếp thị)
Báo cáo phân tích thị trường