Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO và dự báo năm 2008
22 | 11 | 2007
Sau một năm gia nhập WTO, thế giới tiếp tục có cách nhìn vào Việt Nam ngày càng tích cực hơn. Bạn bè tin cậy vào một việt Nam như một điểm đến an toàn, tiếp tục đổi mới, ổn định về chính trị xã hội, kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất so với những năm trước, đời sống nhân dân càng được nâng cao.

Sự ủng hộ hầu như đồng thuận bầu Việt Nam làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc thể hiện sự công nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vị thế mới của Việt Nam.

Gia nhập WTO, chúng ta đã tận dụng cơ hội mới để thu hút lượng đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục hơn 11 tỉ USD trong 10 tháng qua, xuất khẩu cũng tăng đến mức cao nhất với 39 tỉ USD.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2007 (ADO), bản cập nhật, đã nâng mức dự báo tăng trưởng 2007 của châu Á đang phát triển từ mức dự kiến 7,6% vào tháng 3 năm nay lên 8,3%. Về Việt Nam, mức tăng trưởng đã gia tăng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 ở mức 7,9% tức là cao hơn nửa phần trăm so với một năm trước. Vì GDP thường tăng mạnh vào nửa cuối năm, tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2007 dự kiến là 8,3%, không thay đổi so với dự báo của ADO 2007.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hầu như hoàn toàn từ ngành công nghiệp và dịch vụ, và sự năng động của khu vực tư nhân được ghi nhận với mức tăng 20,5%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh 12,4% nhưng khai thác mỏ lại có mức tăng trưởng rất nhỏ vì có sự sụt giảm 7,4% trong khai thác dầu thô do sản lượng khai thác tại mỏ dầu Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, giảm sút. Về dịch vụ, thương mại và tài chính tăng 10,4%, khách sạn, nhà hàng do được lợi từ sự tăng mạnh tiêu dùng và du lịch đã tăng 12,7%.

Về phía cung, đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ là những động lực chính của phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đầu tư tăng 14% trong nửa đầu năm, do được khích lệ bởi việc Việt Nam gia nhập WTO và bởi những cải thiện trong môi trường kinh doanh. Phần lớn tăng trưởng đầu tư là từ khu vực tư nhân trong nước với phần đóng góp trong đầu tư tổng thể đã tăng lên khoảng 35% trong nửa đầu năm 2007, so với mức tăng 23% trong 6 năm.

Đầu tư mạnh mẽ đã dẫn đến mức tăng nhanh chóng 30,4% về nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu 2007, và nhập khẩu hàng hoá máy móc thiết bị tăng 46,5%. Nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hoá trung gian cũng gia tăng mạnh mẽ. Về xuất khẩu, sau khi gia nhập WTO, hàng dệt may và quần áo tăng 25,9% trong nửa đầu năm, sau khi huỷ bỏ hạn ngạch và xuất khẩu đồ gỗ cũng tăng 23%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã và đang phải đối mặt nhiều với những khó khăn mới: giá dầu và nhiều nguyên liệu chiến lược ta phải nhập khẩu liên tục tăng.

Hiện nay, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nước mới gia nhập (RAM), bám sát theo dõi hoạt động của các nhóm đồng lợi ích khác như Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (CAINS), Nhóm G-20 của các nước đang phát triển có lợi ích thương mại gần như của Việt Nam, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của WTO… Nếu so sánh với các nước gia nhập, chúng ta vẫn còn chậm trong việc tổ chức cơ chế chỉ đạo và các cơ chế khác trực tiếp liên quan đến thực thi cam kết WTO, nhất là cơ chế chỉ đạo đàm phán đa phương.

Bước sang năm 2008 thực hiện lộ trình cam kết, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều diễn biến có thể sẽ phức tạp khó lường nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng ứng xử với những phát triển mới, nhất là đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và cả mỗi người dân là người tiêu dùng. Theo lộ trình đã định, ta sẽ phải tiếp tục cắt giảm với 493 dòng thuế nông nghiệp từ mức bình quân 39,27% xuống mức 35,54%. Đáng chú ý là các mặt hàng như hoa quả, chanh, muối, cam, cà phê, dầu thực vật, thực phẩm chế biến, đường mía, bánh kẹo, sản phẩm chế biến từ ca cao, rau quả, nước khoáng và đặc biệt là các sản phẩm rượu, bia, thuốc lá, xì gà đang có mức thuế nhập khẩu và bảo hộ cao (thuế 80-100%) bắt đầu thực hiện cắt giảm.

Về lạm phát, ADB dự báo sẽ duy trì ở 7,8% năm 2007 và dự kiến sẽ giảm tiếp đến 6,8% năm 2008. Do đó tình hình được coi như trong tầm kiểm soát, mặc dù mức lạm phát tương đối cao đòi hỏi Chính phủ phải xem xét cẩn trọng.

Từ những ấn tượng đã đạt được trong năm 2007, chúng ta có cơ sở khá vững chắc để có thể giảm bớt những tác động tiêu cực và thách thức để tận dụng được các cơ hội ngày càng to lớn hơn từ vai trò là thành viên của WTO.

Với giả định việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tiếp tục hội nhập nền kinh tế đất nước vào các mạng lưới kinh doanh toàn cầu, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và giúp duy trì động lực cho cải cách trong nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tăng đến 8,5% trong năm 2008. Do có sự tăng trưởng mạnh của hai trong số các ngành xây dựng, công nghiệp dự kiến tăng 10,6% năm 2008. Dịch vụ, được khích lệ bởi tiêu dùng và du lịch, cũng như việc mở cửa dần dần của một số khu vực cho sự tham gia của nước ngoài, dự kiến sẽ tăng 8,6% vào năm sau. Lợi ích về mậu dịch có từ việc gia nhập WTO dự kiến sẽ giữ mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong năm 2008 ở mức 22%.



Theo www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường