Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người bán, người mua đều uể oải
23 | 11 | 2007
Với sức mua mỗi phiên xấp xỉ 1.000 tỉ đồng (tính cả hai sàn), chỉ bằng 50% so với bình quân ngày của tháng trước, làm cho người bán và người mua cổ phiếu (gọi chung cả chứng chỉ quỹ) trên sàn đang trở nên uể oải
Tiến thoái lưỡng nan

Sau đợt bán tháo vào thứ ba tuần trước (13-11), chỉ số VN-Index gượng dậy, phục hồi nhẹ được vài phiên, rồi lại rơi vào tình trạng trầm lắng. Giá cổ phiếu và giá trị giao dịch trên sàn cứ bị tỉa dần.

Nhiều mã blue-chips sắp có các quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, chia thặng dư bằng cổ phiếu cũng bị rớt giá từ từ. Sự gặm nhấm thị trường đang làm cho những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn trở nên chán nản.

Ông Đức Thi, một nhà đầu tư tại sàn Công ty Chứng khoán Phương Đông, nói: “Thị trường cứ đi xuống mãi làm cho giá trị đầu tư giảm dần. Tháng trước tôi mua 2.000 cổ phiếu FPT với mức giá 280.000 đồng. Ngày ngày tôi đều đến sàn ngóng chờ “sóng” lên để bán. Nhưng đến nay giá chẳng những không lên mà xuống còn 246.000 đồng. Nếu cứ ôm để chờ thì không biết sắp tới sẽ ra sao. Còn bán đi bây giờ thì mất toi 68 triệu đồng. Đó là chưa tính phí giao dịch. Thật là tiến thoái lưỡng nan”.

Giằng co căng thẳng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng trầm lắng của thị trường có thể còn kéo dài hết tuần này và đến cả tuần sau. Những người đang cầm giữ cổ phiếu hầu hết đều nghĩ rằng đến cuối tháng 12 thị trường sẽ sôi động.

Bởi đó là thời điểm cận với mùa hưởng các quyền lợi kinh doanh cả năm của doanh nghiệp, là điểm nhấn thị trường nếu Vietcombank IPO. Lúc đó chỉ số giá chứng khoán có thể sẽ tăng khá mạnh.

Vì vậy những nhà đầu tư trường vốn hiện tại chưa vội bán ra nên lượng chào bán hằng ngày giảm mạnh. Sau lần bán tháo gần 25 triệu cổ phiếu trong thứ ba tuần trước, đến nay lượng chào bán hằng ngày chỉ bằng một nửa so với lúc cao điểm.

Ngày 19-11, số lượng đăng ký bán chỉ còn 13 triệu cổ phiếu và ngày 20-11 là 14,7 triệu cổ phiếu. Các tổ chức và những nhà đầu tư lớn vẫn trầm tĩnh (vì nghĩ thị trường chưa đến thời điểm bật lên) nên họ chưa muốn đẩy mạnh mua vào.

Cuộc giằng co giữa bên mua và bên bán có thể còn kéo dài nhiều ngày. Trong sự giằng co căng thẳng đó thường bên bán chùn bước trước. Nhiều người ôm cổ phiếu vì không giữ được sự kiên trì nên sẵn sàng bán để giải thoát tâm lý ức chế. Vì vậy sẽ đẩy giá cổ phiếu xuống thấp thêm một mức nữa.

Tổ chức muốn kìm giá cổ phiếu trên sàn?

Thăm dò ý kiến một số nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cho thấy, thị trường có thể sẽ chuyển biến mạnh vào thời điểm trước và sau ngày Vietcombank IPO. Lúc đó, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đăng ký tham gia cuộc IPO này rất đông, tạo nên không khí sôi động, kích hoạt giá chứng khoán trên sàn tăng lên theo.

Để có cơ hội mua được Vietcombank với giá hợp lý, nhiều tổ chức trong và ngoài nước hiện đang muốn kìm giá cổ phiếu trên thị trường niêm yết xuống nhằm gây tâm lý uể oải cho các nhà đầu tư nhỏ, lẻ, để họ không muốn tham gia đấu giá.



Theo Người Lao động
Báo cáo phân tích thị trường