Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng tư nhân
23 | 11 | 2007
Theo bản báo cáo cập nhật mới nhất của WB về Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc trong năm 2007 chủ yếu nhờ nguồn thu từ xuất khẩu phi dầu khí, đầu tư và tiêu dùng tư nhân.

Trong phần phân tích về kinh tế Việt Nam, báo cáo dẫn chứng: GDP tăng 8,3% trong 9 tháng đầu năm 2007, trong đó ngành chế tạo và công nghiệp tăng tương ứng 12,5% và 10,2%.

Tăng trưởng nông nghiệp đạt mức 3%, trong đó ngành thủy sản tăng trưởng kỷ lục ở mức 9% bù đắp sự sụt giảm trong ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm.

Ngành dịch vụ đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trong 9 tháng qua (ở mức 8,5%) nhờ sự phát triển mạnh của ngành bán lẻ, du lịch, giao thông và dịch vụ tài chính.

Đầu tư và tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 23% đến tháng 9/2007. Tỷ trọng khu vực nhà nước tiếp tục giảm và chỉ chiếm khoảng 11% tổng đầu tư.

Tổng đầu tư tăng 16,3% trong 9 tháng đầu năm 2007. Theo thời giá hiện nay, đầu tư hiện chiếm 42,5% GDP. Đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tăng gần 28% và hiện tại chiếm khoảng 17% GDP.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên 10,2 tỷ USD năm 2006 và 9,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2007, tăng 38% so với năm ngoái. Cam kết FDI đã tăng nhanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Tỷ lệ giải ngân FDI tăng 20% đến tháng 9/2007, chiếm khoảng 6,8% GDP. Mặc dù đầu tư của các công ty nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước tăng mạnh, nhưng tỷ lệ giải ngân từ ngân sách nhà nước vẫn còn thấp. Điều này cho thấy các dự án đầu tư công được triển khai chậm.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh (tăng 19,4% năm), mặc dù xuất khẩu dầu thô giảm 10% do hạn chế về năng lực sản xuất. Mặt khác, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, may mặc và giày dép tăng mạnh (mặc dù xuất khẩu và nuôi trồng thủy sản phải chịu những hạn chế về an toàn thực phẩm do dư lượng kháng sinh cao và các vấn đề môi trường trong nuôi trồng). Xuất khẩu hiện tại chiếm tới khoảng 72% GDP.

Trong số các đối tác thương mại thì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 1/5 hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là EU, ASEAN và Nhật Bản.

Ngành dệt may, một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây, đã tăng mức doanh số tại thị trường nước ngoài gần 32% trong 9 tháng đầu năm. Việt Nam hiện là một trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm 60%.

Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng tới 30% tính đến tháng 9/2007, do nhu cầu đầu tư tăng và nhu cầu nhập khẩu đầu vào của quá trình mở rộng sản xuất công nghiệp.

Sự tăng trưởng nhanh của nhập khẩu dẫn đến tỷ lệ thâm hụt thương mại cao, dự tính đạt 7% GDP năm 2007. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến đạt 3% GDP trong năm nay so với mức 0,3% năm 2006.

Các chuyên gia của WB cho rằng, tình hình cán cân thanh toán vẫn ổn định và sự thâm hụt tài khoản vãng lai được bù đắp chủ yếu bởi nguồn FDI không tạo nợ, viện trợ phát triển chính thức và nguồn thu của khu vực tư nhân.

Ngoài ra, tỷ lệ cam kết cao có nghĩa là nguồn đầu tư có thể tăng lên nếu có nỗ lực giảm những hạn chế ách tắc trong triển khai. Nguồn đầu tư gián tiếp cũng tăng nhanh năm 2006 và đầu năm 2007 do thị trường vốn phát triển nhanh chóng bao gồm cả một thị trường chứng khoán phát triển bùng nổ.

Nguồn dự trữ ngoại tệ đã tăng nhanh từ mức 8,6 tỷ USD năm 2005 lên 11,5 tỷ USD năm 2006 và dự kiến đạt trên 20 tỷ USD vào cuối năm 2007. Nợ nước ngoài chiếm 31% GDP theo tỷ lệ danh nghĩa và 22% theo tỷ lệ thực. Theo diễn biến hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài.

Báo cáo cũng dành một thời lượng khá nhiều để phân tích về chỉ số lạm phát của Việt Nam. Theo các chuyên gia WB, lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây, gây ra tranh luận mạnh trong giới hoạch định chính sách về các giải pháp đối phó phù hợp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,8% vào tháng 9/2007 so với cùng kì năm ngoái (tương đương 7,3% tính từ đầu năm). Con số lạm phát năm 2007 tuy vẫn ở mức một con số, nhưng đã gần sát mức hai con số.

Các chuyên gia cho rằng, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và chính sách tỷ giá hiện hành gắn vào đồng đô la, lạm phát tăng một phần do mức giá hàng hoá trao đổi thương mại trên thị trường quốc tế tăng lên.

Chỉ số giá lương thực và thực phẩm tăng 13,3% năm, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ tháng 4/2005. Cũng có những lo ngại một chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể làm tăng giá các mặt hàng không trao đổi thương mại.

Tín dụng tăng trưởng mạnh, từ 25% năm 2006 lên khoảng 35% (hàng năm) đến giữa năm 2007. Tỷ lệ tăng trưởng cao hơn diễn ra trong các ngân hàng cổ phần, tuy nhiên cũng có những lo ngại về chất lượng các khoản vay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến mức tăng trưởng tín dụng giảm trong những tháng tiếp theo và đạt tỷ lệ tăng năm 30% trong cả năm. Đến nay, công cụ chính để giảm tăng trưởng tín dụng thông qua việc tăng nhu cầu dự trữ cho các ngân hàng (từ 4% lên 10% có hiệu lực từ tháng 6/2007).

Nguồn thu và chi ngân sách vẫn phát triển ổn định trong 9 tháng đầu năm 2007.Theo tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu thâm hụt tài chính của chính phủ năm 2007 là 3,2% GDP.

Theo xu hướng hiện tại, mục tiêu này có thể đạt được; trong đó 1/4 thâm hụt dự kiến sẽ được bù đắp từ nguồn nước ngoài, còn lại được bù đắp từ nguồn trong nước.

Báo cáo cập nhật về Đông Á và Thái Bình Dương của WB cũng nêu rõ, các nền kinh tế Đông Á chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc năm 2008 bất chấp những lo ngại đang gia tăng về cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính thứ cấp tại Mỹ và giá dầu tăng trên quy mô toàn cầu. Lần đầu tiên báo cáo cũng cho thấy số người nghèo sống dưới 2 đô la Mỹ/ngày tại Đông Á đã giảm xuống dưới 500 triệu - từ con số 1 tỷ người năm 1990.



Theo www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường