Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập WTO
24 | 09 | 2007
Trước thềm hội nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn trụ sở tại Hà Nội.

Trước thềm hội nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn trụ sở tại Hà Nội.

Nam Nguyên: Tại sao tốc độ phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực nông nghiệp lại quá thấp, trong khi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Nói chung trong nông thôn, doanh nghiệp phát triển tương đối chậm, vốn đầu tư của các doanh nghiệp ít. Trong khi nông dân phát triển tốt thì các doanh nghiệp lại phát triển không được mạnh. Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp loại này là thấp và mức độ rủi ro cũng tương đối là cao.

Bản thân ngành nông nghiệp là đã có nhiều rủi ro, thiên tai dịch bệnh rồi thị trường. Một điểm nữa là cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất kém, điểm xuất phát kém. Các dịch vụ ở nông thôn đều khó khăn và đắt hơn ở thành phố như điện nước và vốn đầu tư đều gặp khó khăn hơn. Đó là lý do khiến cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn là ít và vì thế tỷ lệ tăng trưởng của nó là không cao.

Nam Nguyên: Thưa ông trong ngắn hạn, nhà nước và doanh nghiệp cần có biện pháp gì để khắc phục?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Hiện nay chính phủ và bộ nông nghiệp có chủ trương thu hút đầu tư vào nông thôn và nông nghiệp. Đặc biệt là tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chúng tôi đã và đang nghiên cứu một loạt chính sách khác nhau, trong mấy ngày này thì bộ trưởng nông nghiệp đang tiếp xúc với các doanh nghiệp ở trong cả nước, cả miền Bắc miền Nam để lắng nghe ý kiến, đề nghị, tìm hiểu vướng mắc của doanh nghiệp là gì để có giải pháp tháo gỡ. Có lẽ tốt nhất là tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, giảm bớt những khó khăn vừa nói, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn có khả năng phát triển.

Nam Nguyên: Thế trong dài hạn tầm nhìn của Việt Nam như thế nào?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Về dài hạn thì doanh nghiệp ở trong nông nghiệp nông thôn, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì hiện nay phần lớn lao động của Việt Nam vẫn nằm ở nông nghiệp và gần 80% dân cư Việt Nam sống trong vùng nông thôn.

Tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, cho lao động nông thôn là hết sức quan trọng, mà có lẽ qua phát triển các doanh nghiệp ở lãnh vực này thì mới có thể giải quyết được. Đó là lý do vì sao nhà nước Việt Nam và quốc tế đều hết sức hỗ trợ để phát triển các doanh nghiệp ở trong lãnh vực này.

Nam Nguyên: Thực tế hiện nay như vậy, liệu khi vào WTO hội nhập đầy đủ, hàng hoá nông nghiệp của các nền kinh tế lớn như Mỹ Úc tràn ngập thị trường, liệu Việt Nam có nhường sân chơi này cho nước ngoài? Ông nhận định gì về sự kiện này?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Việt Nam là một nước có lợi thế rất nhiều về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp nhiệt đới. các sản phẩm mà Việt Nam sẽ nhập của các nước như Mỹ, Úc đa số là những sản phẩm không có cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt Nam như các loại trái cây ôn đới, các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, sữa hay bột mì là những thứ Việt Nam không có lợi thế. Việt Nam chấp nhận, để xuất đi những sản phẩm nhiệt đới lợi thế.



Báo cáo phân tích thị trường