Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bốn rào cản lớn trong môi trường đầu tư
06 | 12 | 2007
Thông qua đối thoại, đại diện Chính phủ VN và cộng đồng DN đã cùng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách và đưa ra những giải pháp để hướng tới một môi trường đầu tư thuận lợi hơn.

Quy định trái với cam kết WTO

Mặc dù VN đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nhưng các DN cho rằng họ vẫn bị hạn chế nhiều bởi môi trường kinh doanh. Trong đó có 4 rào cản mới đang nổi lên: quản trị DN, kế toán; tiếp cận đất đai; sự không chắc chắn về đầu tư gián tiếp nước ngoài và việc thực hiện các cam kết trong WTO.

Việc chậm thực hiện hoặc làm trái các cam kết trong WTO được các nhà đầu tư coi là một rào cản lớn trong môi trường đầu tư của VN, sau một năm gia nhập WTO. Một ví dụ nổi bật là tại Nghị định 23, Thông tư 19 Bộ Công Thương quy định DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được chọn một nhà phân phối cho một nhóm hàng nhập khẩu là mâu thuẫn với cam kết WTO. Ông Paul Fairhead, Chủ tịch Chi nhánh Hà Nội Phòng Thương mại Úc (AusCham), cho rằng đây thực sự là một “gánh nặng hành chính mới và không cần thiết” vì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến mạng lưới phân phối và môi trường cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu thừa nhận, quá trình ban hành quy định liên quan đến vấn đề phân phối còn có nhiều lúng túng. Bộ sẽ rà soát, chỉnh sửa nếu thấy không hợp lý. Liên quan đến việc thực thi các cam kết WTO còn có ba trở ngại khác. Đó là sự im lặng hoặc thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành; mâu thuẫn giữa các luật: Đầu tư, DN, Thương mại với các cam kết WTO và gia tăng các loại hàng rào phi thuế quan. Để tháo gỡ, theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), VN cần thành lập một tổ chức ở cấp Trung ương chuyên về nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp với các cam kết WTO.

“Nút cổ chai” cũ chưa mở

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng quá tải và thủ tục hành chính, tham nhũng là những “nút cổ chai” cản trở tăng trưởng một lần nữa được các nhà đầu tư hối thúc Chính phủ cải cách.

Báo cáo cảm nhận môi trường kinh doanh cho thấy mối quan tâm hàng đầu của DN hiện nay là việc giữ nhân viên có tay nghề cao, đặc biệt là nhân viên quản lý. Đầu tư nước ngoài tăng vọt đã kéo theo nhu cầu rất lớn về lao động trong khi công tác đào tạo không theo kịp. Một nghiên cứu cho thấy trong 12 tháng qua, cầu lao động đã tăng gấp đôi trong khi cung chỉ tăng 60%. Hậu quả là chi phí tiền lương tăng cao (khoảng 12%), nhiều nhân công thích chuyển dịch chỗ làm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN và ảnh hưởng xấu đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư VN.

“Nếu VN mong muốn tiếp tục tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu ở mức cao thì việc bắt đầu xây dựng cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải ngay trong năm nay là tối quan trọng. Việc này sẽ kết nối trực tiếp VN đến châu Âu và Hoa Kỳ”, ông Paul Hoogwaerts, nhóm cơ sở hạ tầng, thúc giục. Thiếu điện cho sản xuất cũng trở nên trầm trọng hơn, đòi hỏi Chính phủ phải huy động thêm các nguồn đầu tư khác ngoài ngân sách. Ông Christopher Messel, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra rất sốt ruột vì Nhà nước khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này nhưng đã có nhiều dự án gửi đến các cơ quan chức năng chưa được trả lời thỏa đáng.

Đối với thị trường vốn đã có 5 dự án xin thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của 3 quốc gia gửi đến Ngân hàng Nhà nước (SBV) nhưng chưa được chấp thuận, mặc dù theo cam kết, VN cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ ngày 1 - 4 năm nay. Đáp lại sự sốt ruột của ông Alain Cany, Phó Thống đốc SBV Phùng Khắc Kế cho biết việc cấp phép chưa thực hiện được vì chưa có thỏa thuận trao đổi thông tin về thanh tra, giám sát giữa SBV với ngân hàng trung ương của quốc gia có nhà đầu tư muốn mở ngân hàng ở VN.



Theo NLD.com
Báo cáo phân tích thị trường