Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ tăng vốn ODA vào Việt Nam trong năm 2008
07 | 12 | 2007
Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2007 đã khai mạc tại Hà Nội sáng 6/12 với chủ đề “ Tạo lập nền tảng cho sự phát triển bền vững”.

Đây là thời điểm quan trọng để thảo luận về những thách thức và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 và các năm tiếp theo; tiến độ đạt được trong việc thực hiện các cam kết WTO; các vấn đề về cải cách hành chính công, tiến độ thực hiện Sáng kiến chống tham nhũng của Chính phủ… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng trước cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam.


Tại Diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ những những thành tựu và cả những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và chống tham nhũng còn phức tạp… Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nhà tài trợ sẽ tiếp tục tăng thêm nguồn viện trợ cho Việt Nam với quy mô lớn hơn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tăng cường thể chế, năng lực quản lý và xoá đói giảm nghèo, từng bước giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.


Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên WTO và sẽ có mức thu nhập bình quân trên 1.000 USD/người/năm vào năm 2010, chỉ số đưa Việt Nam vượt qua ngưỡng của các nước nghèo, Thủ tướng đề nghị các nhà tài trợ cùng Việt Nam nhìn xa hơn vào tương lai để tập trung đầu tư cho phát triển, đồng thời mở thêm các kênh hỗ trợ mới có quy mô lớn hơn cho Việt Nam. Thủ tướng nói: "Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và đảm bảo thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo mạnh mẽ để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn ODA".


Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Ajay Chhibber cho rằng, mối quan hệ sống động giữa Việt Nam và các đối tác là nguồn sức mạnh và rất quan trọng trong tương lai. Mối quan hệ này không chỉ dựa trên chuyển giao nguồn lực tài chính, mà còn trao đổi kiến thức và ý tưởng. Ông Ajav Chhibber đánh giá: những thành tựu mà Việt nam đã đạt được là thực sự ấn tượng cho dù phải trải qua nhiều cú sốc. Theo ông Ajay Chhibber, thành công của Việt Nam trong những năm qua không chỉ thể hiện qua các con số cam kết vốn FDI, tăng trưởng GDP, mà còn thể hiện ở chỗ những lợi ích có được từ sự phát triển đó đã được chia sẻ đồng đều cho mọi ngưòi và tránh được những sự bất bình đẳng mà nhiều nước gặp phải khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần phải mở cửa để học hỏi các nước điều kiện phát triển như Việt Nam, đồng thời tập trung đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Ông Ajay phân tích, nhìn các nước trong khu vực, Việt Nam có thể thấy nhiều nước đã dẫm chân tại chỗ khi đã trở thành nước thu nhập trung bình. Nhiều nước đã vượt qua mức phát triển của Việt Nam hiện nay, không thể tiến thêm. Nguyên nhân của điều này chính là cơ cấu thể chế quá mong manh kể cả khi kinh tế phát triển.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ khó khăn cho Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ năng quản lý.


Ngay tại phiên khai mạc, nhiều nhà tài trợ như: EU, ADB, Ngân hàng thế giới … đã bày tỏ mong muốn tăng cường các nguồn vốn ODA cho Việt Nam trong những năm tiếp theo. Theo con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1993 đến năm 2006, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam trên 33 tỉ USD. Riêng năm 2007, mức cam kết đã lên tới gần 4,5 tỉ USD, tăng trên 700 triệu USD so với năm 2006 và là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.



www.baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường