Việt Nam đang là nước đầu tiên của khối Asian - Đông Nam Á và châu Á chuẩn bị được tham gia mạng lưới thông tin điện tử quản lý xuất nhập khẩu thuỷ sản vào châu Âu. Điều này cho thấy bên cạnh việc được giám sát chặt chẽ hơn trong hệ thống thông tin hiện đại của cộng đồng châu Âu thì xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam cũng có thêm nhiều triển vọng phát triển thêm thị phần ở thị trường này.
Lâu nay, hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất vào châu Âu với số lượng đáng kể. Hàng năm, giá trị kim ngạch đạt được tại thị trường châu Âu bình quân chiếm 35% trên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt được của toàn ngành. Những doanh nghiệp thật sự có năng lực đưa hàng vào châu Âu sẽ được cơ quan quản lý thuỷ sản Việt Nam cấp giấy chứng thư gọi chung là “cost”. Khi đưa hàng đi, doanh nghiệp sẽ kèm theo cost để xuất trình với nước nhận hàng. Tuy nhiên, do thủ tục đó chỉ thông qua giấy tờ nên có nhiều bất lợi. Xét trên điều kiện thực tế hiện nay của Việt Nam, Ủy ban Liên minh châu Âu đã đồng ý để Việt Nam được tham gia vào mạng lưới thông tin điện tử quản lý xuất hàng vào châu Âu đồng thời cử chuyên gia sang tập huấn kiến thức cơ bản về hệ thống phần mềm này cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành của Việt Nam.
Chuyên gia đào tạo Công nghệ thông tin của Uỷ ban Liên minh châu Âu cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên của khối Asian- Đông Nam Á và châu Á được tham gia vào hệ thống này, mọi thủ tục về lô hàng sẽ được triển khai nhanh hơn đồng thời nếu như lô hàng có vấn đề thì thông tin về lô hàng cũng đến cơ quan chức năng nhanh hơn. Hệ thống này có rất nhiều dữ liệu. Tham gia vào hệ thống này, Việt Nam cũng sẽ phải sắp xếp dữ liệu một cách có hệ thống ổn định. Liên minh châu Âu trao hệ thống này cho Việt Nam là muốn chứng minh cho Việt Nam thấy châu Âu đã đặt mọi niềm tin vào Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp thường phải đối mặt đó là đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu; đặc biệt là những thị trường cao cấp như châu Âu. Trong điều kiện đã gia nhập vào hệ thống quản lý phần mềm chung của châu Âu thì yêu cầu nắm rõ những quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của cộng đồng châu Âu càng trở nên cấp thiết. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đang đối diện với những cơ hội và thách thức chưa từng có trước một thị trường tiềm năng, phong phú song cũng đầy những rào cản khắt khe. Trong bối cảnh hiện nay, uy tín, thương hiệu chính là yếu tố tạo nên nền tảng thành công cho các doanh nghiệp.