Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chữa lạm phát bằng... nông nghiệp
11 | 12 | 2007
Với việc giá tiêu dùng liên tục trong nhiều tháng tăng vượt dự báo và cả năm nay sẽ tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP, chắc chắn các nhà quản lý không khỏi “đau đầu”, còn giới truyền thông cũng đã tốn không ít giấy mực.

Tuy nhiên, bản thân việc không thành công trong kiềm chế “con ngựa bất kham” giá cả cũng đủ cho thấy rằng, cách tiếp cận của chúng ta có phần vẫn chưa trúng. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải “bắt mạch đúng bệnh” và từ đó có “thuốc chữa trị” hiệu quả.

“Thủ phạm” chính gây lạm phát cao

Trước hết, các số liệu thống kê về giá tiêu dùng của nước ta cho thấy, giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống càng ngày càng giữ vai trò “thủ phạm” chính dẫn đến giá tiêu dùng tăng mạnh trong 11 tháng qua.

Cụ thể, ở thời điểm tháng 7, tuy chỉ chiếm 42,85% trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội”, nhưng do giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh 8,50%, cho nên đã chiếm 58,84% trong tổng mức tăng 6,19% của giá tiêu dùng, trong khi giá của 9 nhóm hàng hoá và dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,15% do chỉ tăng 4,46%, cho nên chỉ chiếm 41,16%.

Tiếp theo, liên tục trong 4 tháng thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế giá cả thị trường gần đây, do các nhóm hàng này vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá như vậy, cho nên tỷ trọng tương ứng của chúng trong tổng mức tăng của giá tiêu dùng lần lượt là: tháng 8: 59,79% và 40,21%; tháng 9: 61,87% và 38,13%; tháng 10: 62,18% và 37,82%; còn tháng 11 đạt kỷ lục 63,84% và 36,16%.

Thực tế đó cho thấy hai điều rất quan trọng sau đây.

Thứ nhất, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngày càng giữ vai trò chủ yếu trong việc đẩy giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng qua, và ngược lại, cho dù chiếm tỷ trọng lớn hơn gấp 1,33 lần, nhưng 9 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng giữ vai trò ngày càng giảm.

Thứ hai, tổ hợp các giải pháp kiềm chế giá cả thị trường đã được áp dụng trong 4 tháng qua tỏ ra ít tác dụng hơn đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống so với 9 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng còn lại.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, việc kiềm chế giá cả thị trường trong thời gian tới có thành công hay không là tùy thuộc rất nhiều vào việc có đẩy mạnh sản xuất nông sản được hay không.

Cơ hội vàng để phát triển nông nghiệp

Do vẫn còn là một nước nông nghiệp, lại là một nước xuất khẩu nhiều loại nông sản với vị thế cường quốc thế giới và bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, đó chính là thời cơ vàng đối với nền nông nghiệp nước ta trong những năm đầu gia nhập WTO sắp tới.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng nông lâm sản và thủy sản trong những năm qua lại đạt được những kết quả hết sức đáng mừng, cho nên đương nhiên nguồn cung dành cho thị trường trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, nếu như tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm sản và thủy sản năm 2000 chỉ mới đạt 4,197 tỷ USD, thì năm 2007 này gần như cầm chắc sẽ tăng đại vọt lên trên 12 tỷ USD, tức là đã đạt được nhịp độ tăng bình quân khoảng 16,20%/năm và cao gấp 4,32 lần so với tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Rõ ràng, trong điều kiện nguồn cung chỉ tăng thấp, thậm chí còn giảm như vậy, việc giá nông sản thực phẩm tăng đại nhảy vọt là điều hiển nhiên. Trong điều kiện như vậy, vấn đề đặt ra không chỉ trước mắt, mà cả về lâu dài đối với nền kinh tế nước ta là chẳng những phải, mà còn là cơ hội vàng để đầu tư thỏa đáng cho sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là cho sản xuất nông sản thực phẩm.

Thế nhưng, hiện có nhiều động thái cho thấy, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục nằm “ngoài rìa làn sóng phát triển” của đất nước.

Bởi lẽ, khu vực này hiện vẫn chiếm gần 80% diện tích đất đai, 72% lao động, nhưng hàng năm chỉ tạo ra khoảng 20% GDP; 80% lao động nông thôn không có chuyên môn kỹ thuật; chỉ có 25% nông dân tiếp cận được với thị trường, 75% còn lại không hề biết về những thách thức, khó khăn khi hội nhập; sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún trên khoảng 70 triệu thửa ruộng; hơn 90% sản phẩm nông nghiệp còn ở dạng thô...

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, thực trạng này bắt nguồn từ đầu tư cho nông nghiệp trong thời gian qua vừa quá nhỏ, vừa chắp vá, phân tán. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt trên 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 8,7% vốn đầu tư của cả nước và chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu.

Trong khi đó, làn sóng FDI đang ồ ạt đổ vào nền kinh tế nước ta hiện nay cũng “lãng quên” khu vực này, bởi tính đến tháng 6/2007, khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 10,12% số dự án còn hiệu lực (758/7.490 dự án) với số vốn đăng ký chỉ chiếm 5,62% (3,78 tỷ USD); vốn thực hiện 6,33% (gần 1,9 tỷ USD), còn nếu chỉ tính trong nửa đầu năm nay thì số dự án FDI đầu tư vào khu vực này chỉ chiếm vỏn vẹn 2%.

Do vậy, mục tiêu huy động 1,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI cho khu vực này trong giai đoạn 2006-2010 xem ra cũng khó có thể đạt được. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề tăng tốc đầu tư cho khu vực nông thôn, nông nghiệp từ nguồn vốn trong nước, đặc biệt là vốn đầu tư của Nhà nước đặt ra như một tất yếu.

Rõ ràng, với một nền kinh tế đang tăng trưởng 8,5%/năm và rất có thể đạt ngưỡng hai chữ số trong một tương lai không xa, việc huy động vốn của nước ta đang có nhiều thuận lợi: lượng vốn tăng; các kênh huy động cũng tăng và đặc biệt là nguồn vốn trong dân còn rất lớn, vị tất chúng ta lại phải trông đợi vào vốn FDI, kể cả vốn ODA.

Làm được như vậy, không những sốt nóng giá lương thực, thực phẩm nói riêng và nông sản nói chung chỉ là vấn đề nhỏ chắc chắn sẽ được giải quyết, mà cái được còn lớn hơn gấp bội là tạo ra nền tảng vững chắc để đất nước có thể phát triển bền vững trong những năm sắp tới.



Theo www.vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường