Dự kiến năm 2007, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,5 tỷ USD (năm 2006 đạt 1,12 tỷ USD). Thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngày càng mở rộng, ngoài các nước ở châu Âu và Hoa Kỳ, cà phê Việt Nam còn xuất khẩu sang vùng Trung Cận Đông, châu Phi, một số nước trong Hiệp hội ASEAN và vùng Trung Mỹ. Trong đó phải kể đến 10 nước nhập khẩu hàng đầu cà phê Việt Nam gồm: Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Ba Lan, Pháp, Hàn Quốc, Anh Nhật Bản. Trong nhóm 10 nước này chiếm thị phần rất lớn tới ¾ khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Cả nước hiện có 152 đơn vị trực tiếp xuất khẩu cà phê, bao gồm các đơn vị thành viên của các Tổng công ty có thu gom xuất khẩu. Trong đó nhóm 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu như: Vinacafe, 2/9 Daklak, Intimex, Atlantic V.N, Xí nghiệp tổng hợp Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Hòa, Tín Nghĩa Đồng Nai... Giá xuất khẩu cà phê bình quân của nhóm này hơn 1.473 USD/tấn so với giá bình quân toàn ngành cao hơn 0,7%. Nếu so với giá cà phê xuất khẩu của Braxin và Inđônêxia thì giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn khoảng trên dưới 300 USD/tấn (vào thời điểm tháng 6/2007).
Mặc dù cà phê xuất khẩu của Việt Nam có khối lượng lớn, trong đó chủ yếu là cà phê Robusta nhưng chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chưa đồng đều, đặc biệt số lượng cà phê xuất khẩu bị thải loại còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%) trong tổng số cà phê xuất khẩu bị thải loại của thế giới.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu như kỹ thuật trồng trọt và thu hái chưa tốt, tình trạng thu hái đồng loạt cả quả xanh, quả non còn khá phổ biến; cơ sở vật chất phục vụ sơ chế bảo quản cà phê còn thiếu thốn; cơ chế giá thu mua cà phê tươi chưa khuyến khích người sản xuất quan tâm đến chất lượng, nhất là khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại.
Mặt khác hầu hết cà phê của Việt Nam hiện nay dựa trên sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán; việc phân loại chất lượng theo tỷ lệ hạt đen, hạt vỡ là cách phân loại đơn giản và lạc hậu mà hầu hết các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới không còn áp dụng. Đây là lý do các nhà nhập khẩu đánh tụt cấp chất lượng của các lô hàng và làm giảm uy tín chất lượng chung của cà phê Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà Phê – Ca cao cho rằng, hiện tượng cà phê bị loại thải nhiều là do kết quả của việc thu hái, chế biến cà phê chưa phù hợp và cả khâu mua bán không áp dụng tiêu chuẩn mà còn thoả thuận theo những tiêu chí đơn giản nhưng không phù hợp với việc mua bán trên thương trường quốc tế. Các yếu tốt về độ ẩm (12,5%), tạp chất (0,5-1%), hạt đen, vỡ chúng ta đều có khả năng khắc phục được.
Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những giải pháp chính để nâng cao chất lượng cà phê là áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 để tạo điều kiện cải thiện chất lượng, nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thi trường thế giới. Đây là hệ thống tiêu chuẩn mới, trong đó áp dụng cách tính lỗi khuyết tật để đánh giá chất lượng, phù hợp với cách đánh giá chất lượng chung của Hội đồng cà phê thế giới (ICO).
Việc áp dụng tiêu chuẩn mới còn được xem là bước đột phá để hướng dẫn nông dân thay đổi tạp quán tư duy sản xuất và nâng cao chất lượng cà phê cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập. Thật ra TCVN 4193:2005 đã ban hành từ năm 2006 nhưng đến nay mới có khoảng 10% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước áp dụng và chỉ chiếm 1-2% sản lượng cà phê xuất khẩu. Mặt khác, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay vẫn theo hình thức thoả thuận về chất lượng dựa theo cách phân loại cũ, chủ yếu dựa trên 3 tiêu chí: độ ẩm, tỷ lệ hạt đen, hạt vỡ, chưa theo tiêu chuẩn mới.
Do đó, để thực hiện tiêu chuẩn mới này, vừa thúc đẩy cải thiện chất lượng cà phê xuất khẩu, vừa đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất và xuất khẩu cà phê của nước ta, Cục Trồng trọt đưa ra lộ trình áp dụng TCVN 4193:2005, gồm 3 bước:
+ Bước 1 (từ nay đến tháng 12/2008), tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và có thưởng các doanh nghiệp xuất khẩu nhân cà phê tự nguyện áp dụng toàn bộ hoặc một số chỉ tiêu chất lượng cà phê nhân theo tiêu chuẩn này ngay từ niên vụ 2007-2008; hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh bổ sung tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành đã có để xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển cà phê nhân xuất khẩu; đồng thời hoàn chỉnh việc xây dựng và phê duyệt đề án nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến năm 2010 và định hướng 2020.
+ Bước 2 (từ tháng 1/2009 đến 3/2010), phổ biến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê nhân xuất khẩu tới các doanh nghiệp, người sản xuất, thu mua, chế biến cà phê; tiến hành xây dựng mô hình mẫu áp dụng quy chuẩn kỹ thuật này; tổ chức kiểm tra chất lượng đối với cà phê trước khi thông quan bằng một số chỉ tiêu chất lượng quan trọng, dễ thực hiện như ẩm độ, các khuyết tật về tạp chất, hạt mốc.
+ Bước 3 (từ tháng 4/2010 trở đi), tiếp tục áp dụng toàn diện các nội dung của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cà phê nhân xuất khẩu và thực hiện kiểm tra toàn diện các chỉ tiêu chất lượng cà phê xuất khẩu theo TCVN 4193:2005 trước khi thông quan.
TCVN 4193:2005 (mới) hạng R3
-Màu sắc: màu đặc trưng từng loại cà phê nhân
-Mùi: không có mùi vị lạ
-Độ ẩm: < + 12,5%
-Tạp chất, hạt đen, nâu, sâu, vỡ và hạt khuyết tật… bắt theo lỗi
* Xác định trị số lỗi cho phép: tối đa 250 lỗi trong 300 gam mẫu đối với cà phê vối và 150 lỗi trong 200 gam mẫu đối với cà phê chè.
-Tỷ lệ lẫn cà phê khác loại: (% khối lượng)
+Cà phê Arabica: được lẫn R: < = 5% + C: < = 1%
+Cà phê Robusta: được lẫn C: < = 5% + A: < = 5%
-Tỷ lệ trên sàng 4,75 ly/4 ly tối thiểu (%): 90/10