Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thực phẩm đừng “một mình một chuẩn”
24 | 10 | 2007
Thực phẩm là mặt hàng xuất khẩu chiếm kim ngạch khá lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng vẫn luôn được đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu mặt hàng này.

Là thành viên chính thức của WTO đã gần một năm, Việt Nam đang tích cực xem xét việc xây dựng tiêu chuẩn cơ bản của hàng hóa và việc hài hòa hóa với các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm.

Những sự cố khi xuất khẩu

Liên tiếp trong tuần qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã gửi những tín hiệu vui về khả năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này.

Đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt chế biến sang Nhật và gạo Việt Nam tiếp tục trúng thầu tại nước này với 21.000 tấn gạo tẻ hạt dài. Cơ hội là vậy nhưng cơ quan này cũng không quên cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu cao mà Nhật Bản đặt ra đối với vệ sinh an toàn thực phẩm, và Nhật Bản chỉ là một trong số rất nhiều bạn hàng của Việt Nam trên khắp thế giới.

Người Nhật đặt yêu cầu rất cao đối với vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vấn đề tôm xuất khẩu vào Nhật Bản vừa qua, cùng với việc thông báo cho phía Việt Nam, họ cũng tiến hành nhiều biện pháp điều tra, nếu phát hiện tôm Việt Nam được nuôi thả không đảm bảo vệ sinh môi trường thì rất dễ bị cấm nhập khẩu.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nghiên cứu kỹ nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt lợn (gồm: xúc xích và giăm bông) của Nhật Bản nhằm tìm kiếm mặt hàng xuất khẩu mới thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Sau đó, Thương vụ đã làm việc với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp và Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội Nhật Bản đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, đồng ý nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt của Việt Nam (từ trước đến nay, ta không được phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Nhật Bản vì bị xếp trong danh sách các nước có dịch bệnh lở mồm long móng).

Hiện nay, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã đưa ra Dự thảo quy định nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt của Nhật Bản dành cho Việt Nam gồm 29 điều kiện. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, đặc biệt là khâu chế biến và xử lý nhiệt, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục vận động Bộ Nông lâm ngư nghiệp và Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội Nhật Bản cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra thực tế và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi ký kết thỏa thuận với ta đồng ý nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt của Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá là có triển vọng xâm nhập thị trường Nhật Bản với các mặt hàng trên là Công ty Vissan và Công ty Đức - Việt.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hằng năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt nhập khoảng 200 triệu USD/năm. Hiện nay, do chi phí nguyên liệu và lao động ngày càng tăng tại Nhật Bản, xu hướng nhập khẩu ngày càng gia tăng, cụ thể là thị phần nhập khẩu liên tục tăng từ 3,2% vào năm 2002 lên đến khoảng 10% vào năm 2006. Các nước xuất khẩu sản phẩm chế biến từ thịt lợn gồm: Trung Quốc, Mỹ, Italy, Thái Lan, Đức, Tây Ban Nha.

Về thuế nhập khẩu MFN của Nhật Bản, đối với giăm bông là 8,5% và đối với xúc xích là 10%. Đây là cơ hội tốt để các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của ta xuất khẩu sang Nhật Bản nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của ta sang Nhật Bản. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rằng thị trường Nhật Bản rất khắt khe với chất lượng sản phẩm.

Trong trường hợp gạo, kể từ đầu năm 2007 đến nay, Việt Nam đã 4 lần trúng thầu với tổng số 66.050 tấn gạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng trúng thầu lần 2 và 3 (tổng số 31.050 tấn), lô hàng đầu tiên (700 tấn) đã bị vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật với dư lượng chất Acetamiprid vượt quá mức cho phép (0,01 ppm), dẫn đến việc phía Nhật quyết định tăng cường kiểm tra 30% gạo có xuất xứ từ Việt Nam đối với chất Acetamiprid.

Nhưng với sự nỗ lực của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cùng các cơ quan liên quan cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nên việc thực hiện giao số lượng gạo còn lại của 2 hợp đồng trên đã hoàn thành tốt đẹp, tránh được lệnh kiểm tra 100% của Chính phủ Nhật Bản.

Việc trúng thầu lần này không những chứng minh cho kết quả của sự nỗ lực nói trên mà còn lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu Nhật Bản đối với gạo Việt Nam. Song không vì thế mà các doanh nghiệp có thể tự bằng lòng mà cần nỗ lực tiếp để đảm bảo sản xuất an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Về phía các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang nhanh chóng tìm ra nguyên nhân dư lượng chất Acetamiprid vượt quá mức cho phép và có biện pháp phòng chống, để đề nghị phía Nhật xem xét dỡ bỏ lệnh kiểm tra 30% đối với gạo của ta.

Hội nhập tiêu chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu

Tại Hội thảo Việt Nam - Hoa Kỳ về xây dựng tiêu chuẩn và Tác động đối với thương mại vừa mới được tổ chức tại Hà Nội, các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu tổ chức hoạt động đánh giá sự phù hợp của cả hai nước đã được đưa ra phân tích. Trong đó, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm là một trọng tâm. Hiện ở Việt Nam mới có khoảng 800 mặt hàng thực phẩm được quy định tiêu chuẩn chất lượng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, thay vì bảo hộ bằng hàng rào thuế quan, các nước phát triển tăng cường hàng rào kỹ thuật. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không còn con đường nào khác là phải “hội nhập tiêu chuẩn” nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Sự khác nhau giữa “chuẩn” Việt Nam và thế giới là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Trường hợp nước tương là một minh chứng rõ ràng. Theo tiêu chuẩn về hàm lượng 3- MCPD của EU, tối đa mỗi ngày cho một người dùng nước tương ở dưới mức an toàn là 0,02 mg/kg trọng lượng cơ thể, thấp hơn 50 lần so với tiêu chuẩn 1 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày của Việt Nam.

Nếu chiểu theo chuẩn ngặt nghèo này thì cứ 2 tuần một lần, nước tương Việt Nam xuất khẩu sang EU lại bị “ăn đòn” bởi danh sách các loại nước tương không đạt tiêu chuẩn 3- MCPD và bị công bố rộng rãi trên mạng Internet.

Và trường hợp nước tương Chinsu Việt Nam bị khuyến cáo không nên dùng ở Bỉ vì chứa độc tố gây ung thư là một ví dụ cụ thể, mặc dù đã được chứng minh là hợp tiêu chuẩn Việt Nam. Các chuyên gia trong ngành cho rằng với lượng 3- MCPD cho vào cơ thể hằng ngày mà vẫn an toàn là 2 microgram/kg cơ thể, một người 50 kg có thể ăn hằng ngày 100 microgram 3- MCPD.

Như vậy, tiêu chuẩn mà Việt Nam quy định hoàn toàn bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, nếu sử dụng 10 ml nước tương trong bữa ăn hằng ngày thì hàm lượng 3- MCPD mà một người 50 kg ăn vào chỉ khoảng 30 microgram, vẫn còn dưới xa “ngưỡng” an toàn như cách tính trên.

Thông điệp được các chuyên gia đưa ra là Việt Nam phải xây dựng “chuẩn” vệ sinh an toàn thực phẩm “tiệm cận” với chuẩn của thế giới chứ không “một mình một chuẩn” như hiện nay. Bởi 3-MCPD không chỉ có trong nước tương mà còn có trong rất nhiều những sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của chúng ta như ngũ cốc, sữa, thịt, cá... Nếu không, chúng ta đã tự đóng cửa thị trường xuất khẩu của chính mình.

Nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm nói riêng và hàng hóa nói chung là một câu chuyện không mới, là quy trình không thể đảo ngược để hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho hàng hóa cần một hệ thống phòng thí nghiệm và các trang thiết bị kiểm tra đạt chuẩn đi kèm, cùng với nó là một khoản chi phí không nhỏ.

Nguồn: Vneconomy



Báo cáo phân tích thị trường