Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ chế tài ai "hành" doanh nghiệp
13 | 09 | 2007
Tại hội nghị phát triển doanh nghiệp dân doanh ngày 7-9, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định trong tháng này, Chính phủ sẽ ban hành nghị định chế tài tình trạng "xuất xưởng" giấy phép con.

Ngán ngại lớn nhất với doanh nghiệp (DN) là thủ tục hành chính khi DN gia nhập thị trường cũng như suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - nói: dù đã cải thiện nhiều nhưng hiện trung bình DN vẫn mất 22,7 ngày mới hoàn thành đăng ký kinh doanh. 24% DN (thành lập từ năm ngoái đến nay) vẫn mất đến 30 ngày để hoàn thành các giấy tờ khi gia nhập thị trường. Một DN vẫn cần bình quân 4,14 giấy phép kinh doanh các loại. Giấy phép con vẫn không ngừng xuất hiện. Không có cơ chế, qui chuẩn hay cơ quan rà soát, đánh giá, kiểm soát vấn đề này. Qua 37 loại giấy phép kinh doanh của một số ngành được rà soát thì 100% bị đánh giá là không hợp lý, 89% có vấn đề về thủ tục cấp phép. Gần 70% DN phải chi phí "bôi trơn" cho cán bộ nhà nước trong hoạt động kinh doanh.

Ông Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, nói: nhiều DN không cần hỗ trợ tiền mà cần tạo điều kiện để họ tận dụng cơ hội. Thủ tục hành chính nhiều khi là thủ phạm thủ tiêu cơ hội của họ. Hiện có những bộ ngành đã cải cách, nhưng vì các bộ ngành khác chưa cải cách theo nên lại kéo sự tiến bộ ấy đi xuống.

Thiếu đất, thiếu vốn

Ông Trương Văn Đoan - thứ trưởng Bộ KHĐT - nêu kết quả điều tra cho thấy: 67% DN thường gặp khó về tài chính do không đủ tài sản thế chấp vay vốn. Một thực tế là hầu hết DN dân doanh chưa tạo đủ uy tín kinh doanh, quản lý tài chính chưa thật sự minh bạch, sổ sách không đầy đủ và chưa có khả năng lập các phương án, kế hoạch kinh doanh có hiệu quả để các tổ chức tín dụng cho vay mà không cần thế chấp. Thêm nữa, cơ cấu nguồn vốn của các DN, theo nguyên lý chung, vốn tín dụng chỉ chiếm tối đa 30% tổng vốn của DN. DN cần tính toán chuyện này.

"Đừng tưởng DN dân doanh vừa và nhỏ ở nông thôn là dư đất đai, mặt bằng, thật ra khu vực này DN cũng rất thiếu đất" - ông Vũ Quốc Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, nói. Phát triển ý này, Bộ KHĐT báo cáo: có 42% DN gặp khó khăn về đất đai, mặt bằng sản xuất. VCCI cho hay cơ chế giá đất chưa phù hợp, thủ tục phiền hà, tốn kém. Bình quân DN phải mất 131,8 ngày để nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà Kim Hạnh, nguyên giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, nói: "Hỗ trợ thông tin cho DN, nếu cần chúng ta chấp nhận bỏ tiền mua dữ liệu nước ngoài dù giá đắt về để các chuyên gia xử lý, không thể tiết kiệm tiền cho thông tin được. Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cần công khai để đấu thầu cho DN tham gia thay vì độc quyền, xin cho".

Xử lý ngay

Khi ông Đinh Văn Ân, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đang phát biểu "kêu" về tình trạng giấy phép con làm khổ DN mà nghị định chế tài vấn đề này chưa được ban hành, Phó thủ tướng xin phép ngắt lời và hỏi: đã có dự thảo trình Chính phủ chưa? Ông Ân thưa rồi. Phó thủ tướng cam kết sẽ ban hành ngay trong tháng chín. Hội trường nhiệt liệt hoan nghênh…

Phó thủ tướng nói tiếp trong tháng chín này, những sự vụ cần giải quyết sẽ có chỉ thị của Thủ tướng ban hành. Những vướng mắc do thiếu cơ chế, chính sách sẽ được tập hợp giải quyết trong một nghị định mới mang tư tưởng chủ đạo: phát triển, khuyến khích DN dân doanh. Những văn bản pháp lý chuyên ngành sẽ được bổ sung, ban hành mới tháo gỡ những vấn đề về kinh tế làng nghề, phát triển ngành cơ khí. Riêng việc luật hóa chính sách về hội, hiệp hội nên xây dựng một nghị định riêng thật cải cách và đổi mới. Đảng, Nhà nước và xã hội khẳng định tính nhất quán: tôn vinh DN dân doanh, coi trọng và bảo vệ cũng như khuyến khích, hỗ trợ khu vực này một cách tốt nhất.

QUANG THIỆN (TTO)



Báo cáo phân tích thị trường