Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường tôm Mỹ 9 tháng đầu năm 2007
17 | 12 | 2007
Nhập khẩu tôm của Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2007 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 391.959 tấn, trị giá 2.709,3 triệu USD (giảm 2,3% về khối lượng và 1,7% về giá trị). Cho đến tháng 8 nhập khẩu vẫn duy trì được xu hướng hàng tháng như các năm trước nhưng đến tháng 9 năm nay khối lượng nhập khẩu đã giảm mạnh, thấp hơn 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2006.

Trong giai đoạn này, hầu hết các sản phẩm tôm nhập khẩu đều thể hiện xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với nguồn cung trong nước, sản lượng tôm khai thác thấp hơn năm 2006 (-23,5%). Ngoài ra, giá xăng dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng tới ngành kinh doanh nhà hàng bởi thu nhập của các hộ gia đình không còn dư dả nhiều cho việc chi tiêu.

Trong giai đoạn này, Thái Lan vẫn là nước cung cấp tôm chính cho thị trường Mỹ, chiếm 33,8% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ với 132.347 tấn. Tiếp đến là Êcuađo nhưng nước này chỉ chiếm 11,9% tổng nhập khẩu với 44.281 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu tôm của Inđônêxia vào Mỹ gần như không thay đổi trong khi tỷ trọng của Việt Nam trong 9 tháng này tăng lên 7,1% so với 6,3% cùng kỳ 2006. Ngược lại, xuất khẩu tôm của Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 45.343 tấn trong năm 2006 xuống còn 34.373 tấn trong năm 2007 với tỷ trọng giảm từ 11,3% xuống 8,8%. Sau khi Mỹ cấm nhập khẩu thuỷ sản nuôi của Trung Quốc, trong đó có tôm do có chứa các chất bị cấm vào cuối tháng 6, nhập khẩu của Mỹ từ tháng 7-9 nước này đã giảm tới mức thấp nhất kể từ năm 2003. Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm thì tổng tỷ trọng của 5 nước xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ hầu như không thay đổi, chiếm 73% tổng nhập khẩu của Mỹ. Có thể thấy rằng các nước khác đã cố gắng bù đắp nhu cầu của các sản phẩm tôm từ Trung Quốc. 61% khối lượng xuất khẩu cuả Trung Quốc là tôm bao bột đông lạnh, chiếm 56,3% giá trị thương mại của 2 nước này. Tiếp đến là nhóm hàng các sản phẩm chế biến đông lạnh khác chiếm 24,2% khối lượng và 26,1% giá trị.

Xuất khẩu tôm của Thái Lan vào thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm đạt 132.347 tấn, trị giá 854,4 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng và 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2006. Hai nhóm sản phẩm chiếm hơn 60% xuất khẩu của Thái Lan đó là tôm lột vỏ đông lạnh (32,2% về khối lượng và 34,3% về giá trị) và các sản phẩm chế biến đông lạnh khác (31,6% về khối lượng và 32,8% về giá trị). Êcuađo - nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai vào Mỹ về khối lượng nhưng lại đứng ở vị trí thứ 4 về giá trị. Nhóm sản phẩm chủ yếu của Êcuađo là tôm lột vỏ đông lạnh, chiếm 20,4% khối lượng và 24,8% giá trị. Các sản phẩm tôm nguyên con cũng chiếm 78,1% khối lượng và 73,4% giá trị. Trong khi đó, sản phẩm tôm chủ yếu của Inđônêxia và Việt Nam là tôm lột vỏ đông lạnh. Nhóm hàng này của Inđônêxia chiếm 50,3% tổng nhập khẩu của Mỹ và 49,7% giá trị trong khi Việt Nam tỷ trọng là 49,7% về khối lượng và 49,6% về giá trị. Gần đây, một trong số các công ty xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép tăng vốn đầu tư vào thị trường Mỹ với khoảng 20 triệu USD để nhập khẩu và phân phối tôm lột vỏ vào thị trường này.

Nhập khẩu tôm của Mỹ theo các nước 1-9/2006, 2007
Nước
2006
2007
So sánh 06/07
Tấn
1000 USD
Tấn
1000 USD
KL %
GT %
Thái Lan
130.443,9
840,077,5
132.346,6
854,434,1
1,5
1,7
Inđônêxia
45.937,8
335,182,6
44,281,4
338,342,2
-3,6
0,9
Việt Nam
25.372,8
297,916,6
27.665,7
334,818,2
9,0
12,4
Êcuađo
45.491,0
250,853,1
46.532,3
238,769,8
2,3
- 4,8
Trung Quốc
45.342,8
213,790,5
34.372,6
164,380,6
- 24,2
- 23,1
Mêhicô
10.688,3
107,282,5
17.014,1
147,209,7
59,2
37,2
Ấn Độ
20.624,2
187,210,1
15.623,1
146,411,4
- 24,2
- 21,8
Banglađét
14.118,2
132,674,0
12.268,2
126,262,8
13,5
- 4,8
Malaixia
11.860,5
80,173,6
13.018,9
90,815,0
9,8
13,3
Vênêzula
7.820,8
42,446,3
8,894,8
40,189,6
13,7
- 5,3
Tổng (bao gồm các nước khác)
401.285,9
2,755,798,7
391.959,3
2,709,302,6
-2,3
-1,7

Đáng chú ý là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu của Mêhicô. Xuất khẩu vào Mỹ của nước này trong 9 tháng đầu năm 2007 đã tăng lên 17.014 tấn so với 10.688 tấn cùng kỳ năm 2006, mặc dù về giá trị không tăng nhiều (37,2% so với 59,2%). Tuy nhiên, mức tăng như vậy cũng đã giúp nước này vượt qua Ấn Độ và dành vị trí thứ 6 trong danh sách các nước cung cấp tôm chính vào Mỹ. Đối với ngành tôm của Mêhicô, các nhà sản xuất tôm đã trải qua mùa khai thác không thuận lợi với sản lượng chỉ bằng nửa của năm 2006. Mặt khác, tuy sản lượng tôm nuôi ở bang Sinaloa khá cao nhưng lại dùng cho tiêu thụ trong nước. Đối với Ấn Độ, xuất khẩu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2006 có thể do thuế chống bán phá giá và chính sách “quy về 0” của Mỹ áp dụng đối với nước này.

Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Mỹ

Rất ít nhóm hàng tôm duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong giai đoạn xem xét hành chính. Tăng nhiều là nhóm hàng tôm lột vỏ và cũng là mặt hàng nhập khẩu quan trọng thứ 2. Nhập khẩu mặt hàng này tăng cả về khối lượng (+10,7%) và giá trị (+12,8%). Tuy nhiên, tăng mạnh nhất trong giai đoạn này phải kể đến tôm nguyên vỏ bỏ đầu đông lạnh cỡ 21/25, tăng 35,2% và 27,1% lần lượt về khối lượng và giá trị. Nhập khẩu tôm cỡ 15/20 và < 15 cũng tăng nhưng tổng nhập khẩu tôm nguyên vỏ bỏ đầu đông lạnh lại giảm 3,4% về khối lượng và 4,5% về giá trị, tuy nhiên, đây vẫn là nhóm hàng nhập khẩu quan trọng của Mỹ.

Nhập khẩu tôm của Mỹ (tháng 1 - 9 năm 2006/2007)
Sản phẩm
2006
2007
Thay đổi 06-07
Tấn
1000 USD
Giá
Tấn
1000 USD
Giá
KL%
GT%
Giá
Tôm bao bột đông lạnh
36.363,4
173,101,3
4,8
28.019,4
140,227,8
5,0
-22,9
- 19,0
+5,1
Các sản phẩm chế biến đông lạnh khác
75.318,5
532,248,7
7,1
67.949,8
467,623,9
6,9
-9,8
-12,1
-2,6
Các sản phẩm chế biến khác
757,2
4,825,5
6,4
792,9
4,226,7
5,3
+4,7
-12,4
-16,4
Tôm lột vỏ đông lạnh
114.495,8
836,906,2
7,3
126.747,7
944,151,9
7,4
+10,7
+12,8
+1,9

Tôm nguyên vỏ bỏ đầu: Đây là nhóm hàng nhập khẩu chính của Mỹ, chiếm 42,1% về khối lượng và 41,5% về giá trị nhập khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá các cỡ tôm đều giảm và mức giảm trung bình khoảng 1,1%, trong đó giảm mạnh nhất là cỡ > 70 (-11,7%). Nước cung cấp chính nhóm hàng này là Thái Lan với tỷ trọng là 25,3% và 21,4% lần lượt về khối lượng và giá trị, tiếp đó là Êcuađo với tỷ trọng lần lượt là 22% và 15,6%, Inđônêxia 9,5% và 10,9%, Mêhicô 8,7% và 10,8%, Việt Nam 5,9% và 10,6%. Về khối lượng, tôm cỡ 31/40 được nhập khẩu nhiều nhất với 31.962 tấn nhưng về giá trị tôm cỡ < 15 có giá cao nhất trong tất cả các sản phẩm. Chỉ có 3 cỡ tôm cho thấy tỉ lệ nhập khẩu tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị là: tôm cỡ < 15 tăng 11,5% và 6%; cỡ 15/20 tăng 16,3% và 15,1%; cỡ 21/25 tăng 35,2% và 27,1% lần lượt về khối lượng và giá trị. Êcuađo là một trong những nước cung cấp hàng đầu vào thị trường Mỹ về 3 cỡ tôm này. Tôm lột vỏ đông lạnh: Đây là nhóm sản phẩm quan trọng thứ 2 và có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn này, tăng 10,7% về khối lượng và 12,8% về giá trị, đạt 126.747,7 tấn, trị giá 944,2 triệu USD. Thái Lan là nước xuất khẩu chính mặt hàng này với 33,7%, tiếp đến là Inđônêxia với 17,6% và Việt Nam với 10,8%. Tỷ trọng của nhóm hàng này trong tổng nhập khẩu của 9 tháng đầu năm 2007 đã tăng lên 32,3% so với 28,5% cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng không cân đối giữa khối lượng và giá trị nhập khẩu được phản ánh qua tỷ trọng giá trị nhập khẩu cao hơn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm chế biến đông lạnh khác: Nhập khẩu sản phẩm này giảm cả về khối lượng và giá trị, đạt 67.949,8 tấn với trị giá 467,6 triệu USD so với 75.318,5 tấn với trị giá 532,3 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Về giá trên một đơn vị cũng có những thay đổi theo xu hướng giảm (-16,4%). Nguồn cung đối với sản phẩm này tập trung nhiều nhất là Thái Lan, chiếm 61,6% tổng khối lượng nhập khẩu của Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc với tỷ trọng xuất khẩu 12,3%.

Tôm bao bột đông lạnh: Nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ giảm 22,9% về khối lượng và 19% về giá trị trong năm 06-07. Tuy nhiên, giá trung bình có tăng nhẹ (+5,1%). Nước xuất khẩu chính sản phẩm này vẫn là Trung Quốc, chiếm 74,8% tổng nhập khẩu của Mỹ. Đáng chú ý là trong tháng 8 và 9, khối lượng nhập khẩu của Mỹ giảm 97,2% do xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian này giảm hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm khác: 9 tháng đầu năm 2007, nhập khẩu các sản phẩm này giảm cả về khối lượng và giá trị, trừ tôm tươi nguyên vỏ, tôm khô, ướp muối hoặc ngâm muối. Nhập khẩu mặt hàng này tăng đáng kể, tăng 23,9% về khối lượng và 57,5% về giá trị, mặc dù tỷ trọng của nhóm hàng này không cao. Đặc biệt, giá tăng 27,1% và nhóm hàng này đã vượt mức 3,6 triệu USD của cả năm 2006. Xét về giá trị nhập khẩu, Ấn Độ là nước cung cấp chính và chủ yếu là tôm tươi lột vỏ, tôm khô, ướp muối hoặc ngâm muối, chiếm 56% giá trị nhập khẩu. Nhưng rõ ràng là về khối lượng Thái Lan vẫn là nước cung cấp chính sản phẩm này.

Triển vọng thị trường tôm Mỹ

Nhập khẩu giảm và sản lượng khai thác thấp (41.425 tấn 9 tháng năm 2007 so với 54.137 tấn cùng kỳ năm 2006) khiến cho nguồn cung cấp tôm vào thị trường Mỹ giảm. Trong khi đó, tiêu thụ tôm được dự đoán sẽ tăng mạnh trong dịp Noel và năm mới sắp tới gần. Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung cấp không chắc chắn đã tăng nên rất có thể là giá sẽ tăng.

Đối với các nhà xuất khẩu chính của Mỹ, việc WTO đã ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của Êcuađo, Thái Lan và Ấn Độ về phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Mỹ thìđối với thì rất có thể nhập khẩu của Mỹ từ các nước này sẽ tăng. Đối với Trung Quốc, đoàn thanh tra của Mỹ hiện đang kiểm tra một số nhà máy và 2 bên đã có những buổi đàm phán với nhau với hy vọng đạt được thoả thuận nhằm tăng cường kiểm tra vào đầu năm 2008. Bên cạnh đó, các thương gia Trung Quốc đang quan tâm tới đầu tư vào Coxta Rica nhằm tăng cường nuôi tôm ở nước này phục vụ cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Mặt khác, có sự lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái với những biến động trong năm nay do giá dầu tăng kỷ lục, đạt tới ngưỡng 100 USD/thùng, ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình. Thu nhập giảm đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành kinh doanh nhà hàng trong khi đây lại được coi là lĩnh vực tiêu thụ chính của các mặt hàng tôm. Có thể sẽ còn nhiều thay đổi trong xu hướng nhập khẩu tôm của Mỹ trong mùa lễ hội sắp tới.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường