Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới tuần qua: giá cao nhất của 4 tháng
18 | 12 | 2007
Giá đường trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh trong tuần qua, đạt mức cao nhất của 4 tháng qua, do hoạt động mua đầu cơ với khối lượng lớn.
Hoạt động mua vào đã đẩy giá đường thô vượt ngưỡng 10 US cent/lb. Các nhà phân tích cho rằng giá đường tăng có thể sẽ thúc đẩy các nước sản xuất lớn tăng cường bán đường ra, và điều đó sẽ hạn chế xu hướng giá tăng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/08 tại New York tăng 0,1 US cent lên 10,31 US cent/lb, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng 0,2 US cent lên 10,56 US cent/lb.
Đầu tháng trước, đường đã tăng giá vượt 10 US cent/lb. Tuy nhiên sau đó đã dịu xuống do chịu sức ép từ hoạt động bán xuất khẩu của các nước sản xuất đường hàng đầu thế giới là Braxin và Ấn Độ.
Giới phân tích cho rằng, các yếu tố cơ bản trên thị trường đường vẫn không thay đổi. Nguồn cung đường vẫn dồi dào và động lực đẩy giá tăng chỉ là mua đầu cơ và hạot động sản xuất ethanol từ mía được đẩy mạnh.
Các nhà máy đường Mêhicô đều dự kiến sẽ đạt sản lượng cao hơn vào năm tới. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng những bất đồng về giá mía trả cho người nông dân có thể khiến sản lượng đường của nước này sụt giảm nếu 2 triệu tấn mía chưa chặt tháng trước sẽ bị hỏng. Nếu tranh cãi về giá được giải quyết ổn thoả, sản lượng đường của Mêhicô có thể đạt 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2007/08, so với 5,3 triệu tấn niên vụ 2006/07.
Sản lượng đường của Indonesia năm nay ước đạt 2,41 triệu tấn, cộng thêm 90.000 tấn đường thô, đưa tổng sản lượng đường quốc gia năm nay lên khoảng 2,5 triệu tấn. Một số công ty Indonesia đề nghị Bộ Thương mại điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu đường vì sản lượng đường quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu đường trong nước cho tới tận tháng 4 năm 2008. Bên cạnh đó, một số nhà máy đường mới tại Sumatra sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 4 năm 2008. Sức tiêu thụ đường của Indonesia hàng năm vào khoảng 2,55 - 2,6 triệu tấn, song sản lượng tăng sẽ giúp Indonesia bù vào khoản thiếu hụt trên.
Cho tới nay Bộ Thương mại vẫn chưa có quyết định cho việc nhập khẩu đường trong năm tới. Tuy nhiên bộ trưởng Marie Elka Pangestu cho biết nếu có quyết định nhập khẩu thì khối lượng cũng sẽ không lớn. Năm ngoái Indonesia đã nhập 200.000 tấn đường.
Xuất khẩu đường của Ấn Độ trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2007 có thể sẽ không đạt mục tiêu 3 triệu tấn nếu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quyết định hạn chế mức bồi hoàn tiền cước phí vận chuyển đường xuất khẩu cho các nhà máy. Ấn Độ đang bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ cước phí vận tải đường xuất khẩu. Tuy nhiên, Ôxtrâylia và Thái Lan, hai trong số những nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, đã phàn nàn về việc chính phủ trợ cấp tiền cước phí vận tải cho các nhà máy đường, bởi theo họ điều đó ảnh hưởng tới mậu dịch đường toàn cầu. Tháng trước, WTO đã yêu cầu Ấn Độ cung cấp đầy đủ các chi tiết về chính sách khuyến khích xuất khẩu đường của họ.
Sản lượng đường Ấn Độ niên vụ 2007/08 có thể sẽ đạt khoảng 28 triệu tấn đến 28,5 triệu tấn, thấp hơn chút ít so với 30 triệu tấn dự báo trước đây, do mưa muộn ở tỉnh trồng mía chính, Maharashtra. Lượng đường dư thừa của nước này vào cuối niên vụ dự kiến sẽ lên tới trên 15 triệu tấn, so với 7 triệu tấn niên vụ 2006/07. Tổ chức Đường Quốc tế dự báo Ấn Độ sẽ vượt Braxin trở thành nước sản xuất đường lớn nhất thế giới vào niên vụ 2007/08, bắt đầu từ ngày 1/10. Tình trạng dư thừa đường với khối lượng rất lớn của Ấn Độ bị coi là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá đường thế giới tụt dốc trong thời gian gần đây.
Mặc dù sản lượng đường Ấn Độ niên vụ 2007/08 dự kiến đạt 28 triệu tấn, nhiều người tin rằng sản lượng sẽ bắt đầu giảm vào năm sau đó, bởi diện tích trồng mía sẽ giảm xuống, nhường chỗ cho những loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn.
Giá đường thô tại New York, US cent/lb:
Kỳ hạn
Giá 14/08
3/12
3/08
10,31
9,77
5/08
10,56
10,06


Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường