Hiện nay, khoảng ¼ dân số Việt Nam sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa với tỷ lệ nghèo đói cao. Trong số đó 90% số hộ nghèo có thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng và các cây công nghiệp vùng cao như cà phê, cao su…. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng an ninh lương thực vùng cao chỉ có thể được đảm bảo khi có sự phối hợp giữa Nhà nước - tư nhân - kết nối thị trường.
Trong bản báo cáo tại Hội thảo, TS Anthony M. Zola, Chuyên gia tư vấn Công ty TNHH Nông học MIDAS cho rằng các nhân tố chính để giảm nghèo đối với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa đó là: Giảm khả năng dễ bị tổn thương thông qua giới thiệu một cơ cấu trồng trọt và hệ thống nông lâm đa dạng góp phần đảm bảo an ninh lương thực, khả năng tự cấp và bảo tồn đất; Trao quyền cho người dân bằng cách tăng giá trị gia tăng mà họ thu được thông qua liên kết với thị trường địa phương và thương mại quốc tế; Tăng giá trị đầu ra và giá trị tài sản, đặc biệt là đất, thông qua cải thiện cơ chế quản lý và hệ thống nông lâm; Cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho an ninh lương thực và khả năng tự cung tự cấp đặc biệt là đất.
Đề cập đến từng ngành hàng cụ thể, Báo cáo “Phát triển liên kết thị trường cho Chè an toàn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao mức sống của người dân ở Đại Từ - Thái Nguyên” của bà Phạm Thu Thuỷ - chuyên gia ICRAF Việt Nam đã nêu lên thực trạng sản xuất chè hiện nay ở Việt Nam. Người nông dân đang gặp phải những khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và vốn đầu tư. Điều này dẫn đến chất lượng chè kém, giá trị chè rẻ cũng như không có cơ hội mở rộng sản xuất.
Từ đó đặt ra yêu cầu cần có sự liên kết trực tiếp giữa các hộ trồng chè và thương nhân cùng tham gia các khâu làm tăng giá trị sản phẩm; kết nối hộ trồng chè có đất với nhà đầu tư; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư tư nhân; tăng cường kỹ năng đàm phán cũng như hiểu biết về các hợp đồng vụ mùa cho các hộ trồng chè. Chính quyền địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng chè an toàn, thành lập các nhóm và hợp tác xã trồng chè an toàn, hỗ trợ các hoạt động văn hoá và cộng đồng nhằm gìn giữ và thúc đẩy sự phát triển mặt hang chè. Việt Nam đã gia nhập WTO, vì vậy các sản phẩm chè Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn định lượng khác. Như vậy, ngành chè sẽ phát triển và mặt hàng chè Việt Nam được tiêu thụ ngày càng phổ biến hơn trên thế giới.
Liên hệ với người viết tin: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn