Quan hệ hợp tác giữa hai nước dựa trên cơ sở Hiệp định Thương mại song phương ký ngày 22/8/1994, theo đó, hai bên dành cho nhau quy chế tối huệ quốc (MFN) về thuế quan và các thủ tục liên quan đến XNK hàng hóa. Việt Nam không chỉ được hưởng ưu đãi MFN mà còn được hương mức thuế ưu đãi phổ cập GSP. Với lợi thế này hàng xuất khẩu của Việt Nam (nhất là giầy dép, may mặc…) có rất nhiều cơ hội để cạnh tranh trên thị trường Séc. Sau khi CH Séc vào EU năm 2004 quan hệ buôn bán hai nước được điều chỉnh thay thế bằng Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hội đồng liên minh châu Âu (EU) ký ngày 17/7/1995. Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển hơn nữa quan hệ thương mại truyền thống cũng như quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, ngày 13/9/2005 Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về Hợp tác Kinh tế.
Mục đích nhằm nỗ lực thúc đẩy các hoạt động để tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, công nghiệp và kinh tế; tăng cường các mối quan hệ kinh doanh và các cơ hội có liên quan; thúc đẩy và mở rộng đầu tư song phương và khuyến khích hợp tác trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin, y tế, du lịch….
Thực tế quan hệ thương mại và hợp tác nhiều mặt giữa hai bên trong thời gian qua đã minh chứng cho tiềm năng và thế mạnh giữa hai nước:
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh theo từng thời kỳ. Nếu như những năm trước 2004, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu sang CH Séc khoảng 52 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 15,5 triệu USD thì từ năm 2005 trung bình mỗi năm kim ngạch xuất khẩu tăng 150%. Cụ thể năm 2005 Việt Nam xuất khẩu sang CH Séc 105 triệu USD; năm 2006 đạt 133,6 triệu USD; năm 2007 dự kiến đạt 182,1 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là giầy dép và dệt may chiếm trên 40% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu (năm 2007 giầy dép đạt khoảng 45 triệu USD, may mặc đạt khoảng 37 triệu USD). Sở dĩ kim ngạch hai mặt hàng này tăng cao là do đây chủ yếu là hàng gia công cho thương nhân nước ngoài còn hàng thực sự Made in Việt Nam như hải sản, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ… thì kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn chưa phản ánh đúng thực chất tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Về nhập khẩu hàng từ CH Séc tăng không nhiều. Những năm trước đây kim ngạch chỉ đạt khoảng 15-16 triệu USD/ năm, gần đây đạt khoảng trên 30 triệu USD/năm (năm 2007 dự kiến đạt khoảng 32 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là hàng cơ khí, hóa chất, máy móc thiết bị cho các ngành điện, xi măng, rượu bia; thiết bị chuyên dụng cho vận chuyển, khai thác khoáng sản…
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, hai bên đã sớm ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư từ năm 1997 (có hiệu lực từ 9/7/1998). Tuy nhiên sau khi gia nhập EU năm 2004, CH Séc phải tuân thủ các qui định của EU về việc điều chỉnh các nội dung không phù hợp trong các Hiệp định hoặc Điều ước quốc tế đã ký trước đây với các nước không phải là thành viên EU. Do vậy, trong tháng 9 vừa qua tại Praha, hai bên đã đàm phán để điều chỉnh một số qui định trong Hiệp định nhằm đảm bảo sự tương thích với các qui định của Cộng đồng Châu Âu, đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO về lộ trình mở cửa lĩnh vực đầu tư. Tính đến nay CH Séc đã có 13 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ và vừa; tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất máy móc, thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất, môi trường…
Đầu tư của Việt Nam tại CH Séc, tính đến thời điểm này, mới chỉ có 2 dự án đầu tư với tổng số vốn xấp xỉ 2 triệu USD vào 2 lĩnh vực: xây dựng (xây dựng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng) và dịch vụ (kinh doanh sản phẩm may mặc).
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động và các Vấn đề xã hội CH. Séc và theo các hợp đồng xuất khẩu lao động đã ký giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam với các đối tác do Ban Quản lý Lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc cung cấp, năm 2007, khoảng 3.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại CH Séc với mức lương trung bình là 600 usd, như vậy, tổng giá trị của các hợp đồng xuất khẩu lao động sẽ đạt 21.600.000 USD. Riêng năm 2007, ước thực hiện khoảng 2 triệu USD. Đây là một con số đáng khích lệ, đã đưa Việt Nam từ vị trí thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu lao động sang CH Séc lên vị trí thứ 4. Theo các nhà quản lý lao động và lãnh đạo các nhà máy thì lao động Việt Nam được đánh giá cao ở sự nhanh nhẹn, khéo léo và chăm chỉ. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của người lao động, cần có sự quản lý giám sát chặt chẽ của các cơ quan có liên quan đối với việc tuyển dụng và các thủ tục xuất khẩu lao động cũng như việc sử dụng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp tại CH. Séc.
Về hợp tác công nghiệp: CH Séc có nhiều tiềm năng về công nghiệp ở Châu Âu với thế mạnh là các ngành sản xuất máy móc công nghiệp, thiết bị, phương tiện giao thông, cơ khí… Trong thời gian qua, hai bên đã thỏa thuận hợp tác một số vấn đề sau:
- Thỏa thuận hợp tác lắp ráp xe chuyên dụng phục vụ cho quốc phòng, khai thác mỏ giữa tập đoàn Tatra với Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Theo thỏa thuận, hàng năm các bên sản xuất lắp ráp 100 chiếc xe chuyên dụng với tổng trị giá 15 triệu USD, mức độ nội địa hóa lên tới 40%.
- Hợp tác sản xuất bê tông và vật liệu xây dựng ở Việt Nam giữa các bên; Công ty Sterkovny Dolni Benesov và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam
- Hợp tác nghiên cứu thăm dò và khai thác mỏ tại vùng than Bắc bộ giữa Công ty VOKD và Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam
Đặc biệt trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn doanh nghiệp tại CH Séc tháng 9/2007 vừa qua nhiều thỏa thuận đầu tư cũng như hợp đồng mua bán thiết bị, chuyển giao công nghệ để đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất bia, thiết bị cho ngành khai thác mỏ… được ký kết với tổng trị giá 3.5 tỷ USD, gồm có: Dự án nhiệt điện Duyên Hải - Trà Vinh trị giá 3 tỉ USD; Dự án Nhà máy Bia Vinashin Hà Nam trị giá 95 triệu Euro; Dự án nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị đóng tàu trị giá 150 triệu USD; Dự án Nhà máy Xi măng Phú Sơn trị giá 100 triệu USD... Hiện nay việc triển khai thực hiện các cam kết này đang được các đối tác hai bên trao đổi để đưa ra kế hoạch cụ thể cho các bước tiếp theo.
(Theo Phạm Sỹ Chung Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Séc)