Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biến động về tỷ giá và vai trò của đồng USD đối với kinh tế toàn cầu
02 | 01 | 2008
Kinh tế toàn cầu, vốn đang bị tác động bởi cuộc khủng hoảng thị trường tài chính và sự suy giảm kinh tế của Mỹ, hiện đang đứng trước mối nguy hiểm, với đồng USD giảm giá và vượt khỏi tầm kiểm soát. Thêm vào đó là mối lo sợ các ngân hàng trung ương đột ngột tung nguồn dự trữ USD không lồ của họ ra để mua các phương tiện dự trữ khác thay thế và các nước Trung Đông có thể từ bỏ chế độ tỷ giá gắn kết với USD.

Tạp chí Anh The Economist đưa ra một kịch bản cho đồng USD là phải được ổn định trong năm 2008 trước khi phục hồi vào cuối năm đó, song cảnh báo một cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ và một số nhân tố khác có thể làm mất lòng tin vào đồng USD và phá vỡ kịch bản này. Đồng USD một khi rơi vào khủng hoảng sẽ gây nguy hiểm lớn cho kinh tế toàn cầu, khiến cho cuộc suy giảm kinh tế dự kiến trở nên sâu sắc hơn và mạnh hơn.

Cuộc khủng hoảng thị trường tài chính bắt đầu từ tháng 8/07 đã tạo sức ép mạnh mẽ lên đồng USD: đến cuối tháng 11, giá USD đã giảm khoảng 6% so với nhóm tiền giao dịch mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) theo dõi. Điều này không phải là mới vì trong 5 năm qua đồng USD đã giảm giá 25%.

Kịch bản cơ bản mà The Economist đưa ra cho kinh tế toàn cầu là USD có thể ổn định trong năm 2008 trước khi bắt đầu phục hồi vào cuối năm này, trong đó dự báo tỷ giá USD/euro sẽ giảm từ 1,37 năm 2007 xuống 1,46 trong năm 2008, trước khi phục hồi lên 1,33 năm 2009. USD có thể tiếp tục giảm giá so với đồng yên Nhật về trung hạn, nhưng chủ yếu là do đồng yên sẽ lên giá mạnh nhờ lãi suất của Nhật tăng và tình hình thương mại được cải thiện.

Lý do chủ yếu làm giá USD khá lên là cuối năm 2008 tình hình rối loạn trên thị trường tài chính toàn cầu có thể lắng dịu, kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng sau một thời kỳ suy yếu và người ta bắt đầu bình tĩnh xem xét các điểm mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, như năng suất tăng lên, tình hình lao động thuận lợi cho triển vọng dài hạn, những lý do hỗ trợ cho USD mạnh lên. Một khi sự suy yếu của đồng USD và nền kinh tế Mỹ giúp giảm sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán đối ngoại của Mỹ, đồng USD sẽ có triển vọng lên giá dài hạn.

USD có thể được hỗ trợ trong năm 2008 nhờ tác động của các chính sách lãi suất của Mỹ và châu Âu. Lãi suất quỹ liên bang ở Mỹ sẽ đứng ở mức 3,75% vào cuối năm 2008, còn lãi suất của châu Âu có thể giảm xuống.

Như vậy khả năng chuyển đổi ào ạt quỹ dự trữ USD sang các phương tiện dự trữ khác rất khó có thể xảy ra vì các đối tượng có quỹ USD lớn thường tính toán đầu tư dài hạn, mà xét về dài hạn thì USD có triển vọng lên giá.

Dù sao, nguy cơ USD giảm giá mạnh trong năm 2008 vẫn rất cao. Lý do chủ yếu là xu hướng điều chỉnh xuống các dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thị trường tài chính kéo dài hơn dự đoán hiện nay và cuộc điều chỉnh thị trường nhà ở của Mỹ tác động lên nhu cầu mạnh hơn so với dự kiến. Thêm vào đó, trong năm 2008, đồng USD vẫn dễ bị tác động trước tâm lý lo sợ của giới đầu tư về tình hình bội chi trong cán cân thanh toán vãng lai của Mỹ và về khả năng các ngân hàng trung ương và các quỹ tài sản nước ngoài chuyển đổi quỹ dự trữ từ USD sang các phương tiện khác và thay đổi chế độ tỷ giá tiền tệ. Những nhân tố trên có thể dễ dàng làm cho USD giảm giá mạnh xuống dưới ngưỡng 1,60 USD/1 euro.

Ngay trong trường hợp kịch bản cơ bản diễn ra, trong đó USD tránh được một cuộc giảm giá mạnh ngắn hạn, đồng tiền này vẫn phải đối phó với các nguy cơ trung hạn và dài hạn.

 



Theo vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường